| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp căn cơ 'né sạt lở đừng ở ven sông'

Thứ Năm 09/12/2021 , 15:35 (GMT+7)

ĐBSCL Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, cơ quan chức năng các tỉnh đã tiến hành di dời dân, ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Những năm gần đây tình hình xảy ra sạt lở 2 bên bờ sông Tiền và sông Hậu càng diễn ra nghiêm trọng ở 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những năm gần đây tình hình xảy ra sạt lở 2 bên bờ sông Tiền và sông Hậu càng diễn ra nghiêm trọng ở 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hạn chế làm nhà tạm bợ ven sông

Mới đây, một vụ sạt lở bờ sông cặp tuyến đường liên xã biên giới đi qua ấp 1, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có chiều dài 55m, sâu vào đất liền 5m, đe dọa đời sống người dân và hàng trăm em học sinh hai điểm Trường Mầm non Thường Lạc và Tiểu học Thường Lạc 2.

Bà Trương Thị Cheo, ở xã Thường Lạc huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: “Dân sống đầu nguồn rất khổ, năm nào cũng vậy cứ từ tháng 5 đến tháng 11 vào mưa mưa kết hợp với lũ lên nhanh là xảy ra cảnh sạt lở. Hồi xưa con đường giao thông nông thôn nó xa tuốt ngoài kia mà giờ bị sạt lở dần dần vô tới đây gần 20-30m. Mình cũng sợ nên lực lượng chức năng xuống làm hàng rào cảnh báo để hạn chế xe cộ, học sinh đi lại nguy hiểm. Tôi lo sạt lở bờ sông kiểu này vài năm nữa căn nhà của tôi đang ở không biết còn không”.

Trước tình hình này, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cùng UBND huyện Hồng Ngự đã đến khảo sát bàn giải pháp khắc phục. Ngành chức năng địa phương đưa ra giải pháp khắc phục. Trước nhất là cho nắn tuyến đoạn sạt lở, chỉnh sửa dòng chảy, cắm biển báo giảm tải, tuần tra kiểm soát không để xảy ra ách tắc giao thông qua khu vực.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo ngành chuyên môn đo đạc chính xác số liệu để đề xuất tỉnh đầu tư làm kè mềm. Về lâu dài, ngành chức năng bàn phương án làm kè cứng để đảm bảo tuyến đường giao thông trong xã và vừa bảo vệ đời sống người dân và an toàn cho học sinh.

Còn vụ sạt lở bờ sông xảy ra tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã nhấn chìm hoàn toàn căn nhà của bà Trần Thị Phượng và quầy thuốc tây của chị Võ Ngọc Lan Hương, ước thiệt hại số tiền trên 700 triệu đồng.

Được biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) xảy ra ít nhất 5 vụ sạt lở bờ sông. Trong đó, vụ sạt lở nghiêm trọng bờ sông Nha Mân đã nhấn chìm 7 căn nhà, hàng chục căn phải di khẩn cấp, gây thiệt hại tài sản nhiều tỷ đồng.

Theo ông Lê Hà Luân, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp khuyến cáo, trước khi xây nhà, người dân cần xem xét lại khu vực đó có nguy cơ sạt lở hay không. Hiện Sở Xây dựng đang cùng các địa phương rà soát để trình UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành chính sách là hình thành các khu dân cư chủ động đáp ứng cho người dân xây dựng nhà ở, thay vì xây dựng tạm bợ ven sông rạch.

Người dân sống cặp 2 bên bờ sông, rạch rất lo âu vì sợ cảnh sạt lở làm mất đất và nhà cửa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân sống cặp 2 bên bờ sông, rạch rất lo âu vì sợ cảnh sạt lở làm mất đất và nhà cửa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lập phương án xử lý khẩn cấp các đoạn sạt lở

Hiện nay, trên toàn tỉnh An Giang có hơn 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra gần 39 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài hàng km, ảnh hưởng đến đời sống và nhà phải cửa của người dân phải di dời khẩn cấp. Ước thiệt hại về đất trên 2 ngàn tỷ đồng.

Hiện nay, trên toàn tỉnh An Giang có hơn 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, trên toàn tỉnh An Giang có hơn 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, cho biết: Trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 61 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (tăng 13 điểm so năm 2019), với chiều dài hơn 3.330m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà, phải di dời khẩn cấp. Đáng lo ngại là tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô và tần suất xuất hiện.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, địa phương có hơn 30.000 hộ sống ven sông từ lâu đời tại những nơi hiện có khả năng sạt lở, phần lớn do trước đây làm nghề nông, đánh bắt thủy sản, nay không có điều kiện thay đổi chỗ ở. Riêng huyện Chợ Mới có 2.106 nhà ở ven sông, kênh, rạch, trong đó 490 căn nhà thuộc khu vực sạt lở.

Còn trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn An Giang xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 797m (An Phú 248m, Chợ Mới 549m), ảnh hưởng đến 8 căn nhà của dân (An Phú 6 căn, Chợ Mới 2 căn), ước thiệt hại về đất khoảng 500 triệu đồng.

Trước tình hình sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu các ngành và địa phương chủ động hơn trong công tác kiểm tra, phòng ngừa sạt lở, nhất là tại những khu vực trọng yếu, có nguy cơ cao và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm dòng dẫn thoát lũ để tổ chức cảnh báo và di dời nhà dân đến nơi ở an toàn.

Trước tình hình diễn biến sạt lở nghiêm trọng này UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn (đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên) để triển khai nhiều giải pháp ứng phó không để xảy ra tình trạng sạt lở kéo dài.

Được biết rạch Cái Sắn này từ năm 2019 đến nay đã xảy ra 5 đợt sụp lún, sạt lở. Lần gần nhất có chiều dài 175m, làm xiêu vẹo nhiều căn nhà tạm, ảnh hưởng đến 39 hộ dân sống trên đoạn này phải di dời vào cụm dân cư sạt lở để sinh sống.

Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, cơ quan chức năng các tỉnh đã tiến hành di dời dân, ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, cơ quan chức năng các tỉnh đã tiến hành di dời dân, ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Riêng đối với đoạn sạt lở rạch Cái Sắn trong thời gian tới sẽ còn diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng với chiều dài cảnh báo là 2.300m. Nguyên nhân sạt lở bước đầu được xác định đây là khu vực nằm trên khúc cua, áp lực dòng chảy mạnh sát bờ vào mùa nước đổ. Ngoài ra, khu vực bờ đối diện thuộc quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ có nhiều nhà máy xay xát, nhiều phương tiện thủy lưu thông, quay đầu làm dòng nước đập mạnh vào phía bờ An Giang gây sạt lở.

Tương tự, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở sông Cần Lố (đoạn từ cầu Cái Vừng đến Trường Tiểu học Nhị Mỹ, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) với chiều dài 210m. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Cao Lãnh cắm biển báo vành đai sạt lở, cảnh báo sạt lở, thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này.

Đồng thời theo dõi diễn biến sạt lở, có các phương án sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi có sạt lở xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tiến hành thuê tư vấn khảo sát, lập phương án xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở nguy hiểm này.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.