| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp tháo gỡ ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn

Thứ Hai 20/12/2021 , 14:46 (GMT+7)

15h ngày 20/12, Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn để tìm giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở tỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Bá Thắng.

Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... kéo dài khoảng nửa tháng qua. Theo thống kê của Sở Công thương Lạng Sơn, lượng xe container tồn tại ba khu vực cửa khẩu này là hơn 4.000 xe.

Cập nhật đến ngày 18/12, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, hiện tồn khoảng 2.842 xe. Các container chở chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đăk Lắk, Tiền Giang) và xoài (tỉnh Bình Định).

Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 1.196 xe ùn ứ, với mặt hàng chủ yếu là nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chính là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân...

Lý do ùn tắc nông sản, theo Sở Công Thương Lạng Sơn, là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Một nguyên nhân nữa, là nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng, khiến hàng hoá đổ dồn về Lạng Sơn.

Nhằm kịp thời tháo gỡ tình trạng ùn tắc, giúp các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thông thương với phía Trung Quốc, Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn vào 15h ngày 20/12.

Việc ùn tắc nông sản tại các ở cửa khẩu Lạng Sơn kéo dài khoảng nửa tháng qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc ùn tắc nông sản tại các ở cửa khẩu Lạng Sơn kéo dài khoảng nửa tháng qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Về phía Bộ NN-PTNT, tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cùng các đơn vị liên quan như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản. Về phía tỉnh Lạng Sơn, tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu. 

Buổi làm việc còn có sự tham gia của Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm.

Tất cảTổng thuật

15h50

Cán bộ ngành nông nghiệp sẵn sàng túc trực 24/24 tại cửa khẩu

tt nam va ong thieu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu tại buổi họp báo.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn, hiện duy nhất còn cửa khẩu Hữu Nghị còn thông quan. Theo số liệu của Ban quản lý cửa khẩu, số lượng thông quan xe mỗi ngày hiện giữ ở mức 90-100 xe, bằng khoảng một phần năm so với công suất trước đây.

Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ nghiên cứu phương án để đưa việc giao thương với Trung Quốc thông suốt trở lại.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Lạng Sơn ứng dụng các công nghệ số, chuyển đổi số để kết nối thông tin hai chiều giữa tỉnh với doanh nghiệp sản xuất tại nhiều địa phương.

“Rất mong các địa phương giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chức năng, như Sở NN-PTNT, Sở Công thương để kết nối với Tổ công tác của Lạng Sơn, để có thông tin kịp thời”, Thứ trưởng Nam bày tỏ. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ, nhiều cán bộ ngành nông nghiệp sẵn sàng túc trực 24/24 tại cửa khẩu, nhằm chia sẻ thông tin, dữ liệu tới các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, theo lời Thứ trưởng Trần Thanh Nam, quy định về số lượng xe lên cửa khẩu mỗi ngày là không khả thi vào thời điểm này. Bởi lẽ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, nông sản có tính mùa vụ, và có thời gian bảo quản trong thời gian cố định. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh đã ký hợp đồng với phía Trung Quốc, trong đó có quy định cụ thể về thời gian giao, nhận hàng tại cửa khẩu.

Giải pháp trước mắt mà Thứ trưởng đưa ra, là Lạng Sơn dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới.

15h40

Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero Covid"

* Chưa có thông tin ngừng hoạt động cảng biển

ong ho toa cam

Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết hai nước đã có nhiều biện pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc.

"Chúng tôi nhập khẩu nông sản từ nhiều nước, trong đó nguồn hàng từ Việt Nam là rất lớn. Việc ùn ứ quy mô nhỏ, hàng năm đều có. Song chính vì Covid-19, việc ùn ứ phát sinh nghiêm trọng. Trong ấn tượng của tôi, đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất", ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết.

Ông Cẩm nói thêm rằng các nước xuất khẩu nông sản khác ít có biên giới đường bộ với Trung Quốc nhiều như Việt Nam. Các quốc gia này đi đường biển, đường không. Theo thông tin của đại diện Sứ quán Trung Quốc, hiện còn khoảng 2.500 xe container đang ùn ứ tại thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Tổng lượng xe ùn tắc ở hai bên là khoảng 6.000 xe.

"Lãnh đạo hai nước rất quan tâm đến vấn đề này. Sứ quán chúng tôi rất lo lắng, tìm giải pháp tháo gỡ. Tôi nhớ trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc, đồng chí Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của đơn vị này cũng đã gọi điện cho tôi, nói rằng vấn đề này đang được quan tâm. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nói với tôi nội dung này".

Theo tham tán Hồ Tỏa Cẩm, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ.

"Những ngày qua, Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng gọi điện cho đại sứ quán, đề nghị phối hợp tìm giải pháp thông quan hàng hóa", ông Cẩm thông tin tại buổi họp báo. Đại diện Sứ quán Trung Quốc nói chính sách của nước này là Zero Covid. "Chúng tôi có 1,4 tỷ dân, nếu sống chung với Covid thì dễ vỡ trận. Chúng tôi không dám tưởng tượng đến hậu quả. Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách này, bởi nếu sống chung với Covid thì có khả năng là không kiểm soát được".

Ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định phòng chống dịch với bất cứ ngành nghề nào ở Trung Quốc đều là số một, là trên hết. Việc ùn ứ nghiêm trọng những ngày qua, theo ông Cẩm, một phần do tối 17/12, một tài xế Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền thành phố Bằng Tường đã và đang triển khai các biện pháp phòng dịch, lưu ý tới việc tranh thủ thời gian để không làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa.

"Tôi nghĩ chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã làm rất tốt, trong việc thông báo tới doanh nghiệp và các địa phương khác. Tuy nhiên, do đây đang là vụ thu hoạch nên cũng khó giải quyết triệt để. Tôi cũng lưu ý rằng sứ quán chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc các cảng biển miền Nam của Trung Quốc sẽ nghỉ 14 ngày hay 60 ngày", tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết.

Cũng theo lời ông Hồ Tỏa Cẩm, việc ùn ứ tại cửa khẩu đã gây nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. "Hiện có 9 loại mặt hàng đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này lẽ ra tăng thêm, nhưng vì dịch Covid-19, tiến trình đàm phán Nghị định thư bị đình trệ", ông Hồ Tỏa Cẩm thông tin.

“Về chanh leo, ớt, khoai lang, sầu riêng, tôi đề nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Chúng ta cần có giải pháp thích ứng trong thời gian dịch bệnh”, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

15h25

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Mong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung

thu truong nam

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu các nguyên nhân gây ùn tắc nông sản.

Ngay sau khi có thông tin về việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT đã cử đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu trên địa bàn khẩn trương nắm bắt tình hình cũng như làm rõ các nguyên nhân, từ đó khẩn trương có các giải pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố.

"Một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản. Trung Quốc thực hiện kiểm soát rất kỹ, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa. Do đó, tôi rất mong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ trực 24/7 để tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng ùn ứ.

Về một số nguyên nhân chính: Thứ nhất, Trung Quốc đang tiếp tục duy trì thực hiện chính sách “Zero Covid-19” nên đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người, phương tiện và cả bao bì chứa đựng hàng hóa từ những khu vực có chính sách “sống chung với Covid-19”.

Thứ hai, theo nguồn tin ngoại giao từ các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc, đã nhận được công hàm từ Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung quốc) thông báo trên bao bì của một số lô hàng nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các mức độ khác nhau, và đã có lái xe của chuyên trách của Việt Nam đưa hàng qua Trung Quốc mắc Covid-19.

Do vậy, theo chính sách “Zero Covid-19” mà Trung Quốc đang áp dụng, phía bạn đã thắt chặt hơn một số biện pháp tăng cường kiểm tra, xét nghiệm trên phương tiện vận tải, người vận chuyển và bao bì chứa đựng hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam; dẫn đến lượng xe hàng được xuất qua Trung quốc tại một số cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn giảm (xuống còn khoảng 200-300 xe/ngày).

Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời điểm cuối năm thường tăng mạnh, nên dẫn tới tình trạng ứ đọng xe hàng tại các cửa khẩu.

Chính vì vậy, hiện nay lượng xe hàng từ các địa phương tiếp tục chuyển lên các cửa khẩu Lạng Sơn hàng ngày đã vượt qua năng lực thông quan của phía bạn.

15h15

Lạng Sơn đề xuất các giải pháp tháo gỡ ùn tắc nông sản

Ông Hồ Tiến Thiệu (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Việc hàng hóa xuất khẩu ùn tắc hiện nay tại Lạng Sơn do rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu, cốt lõi là do lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vượt quá khả năng thông quan tại các cửa khẩu trong thời điểm hiện tại.

Tỉnh Lạng Sơn đã tích cực khuyến cáo tới các tỉnh, thành phố có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn về tình hình và thực trạng quá tải tại các cửa khẩu, tuy nhiên chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới.

Cũng theo ông Thiệu, các phương tiện ùn tắc với số lượng lớn (gần 4.600 xe) tại các khu vực trên địa bàn tỉnh gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý điều hành của tỉnh Lạng Sơn trong nhiều lĩnh vực: Bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch… Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ lái xe nội địa vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất cao và thực tế đã xảy ra ở nhiều khu vực.

Trước tình hình đó, tỉnh đã phải huy động nguồn nhân lực, vật lực rất lớn để đảm bảo công tác quản lý đối với người, phương tiện chở hàng hóa tồn chờ xuất khẩu; Đã chỉ đạo bố trí các khu vực dừng đỗ dành riêng cho các phương tiện chờ xuất qua từng khu vực cửa khẩu để chia nhỏ số lượng phương tiện chờ xuất, sau đó điều tiết dần vào khu vực cửa khẩu với số lượng phù hợp; chỉ cho phép 01 lái xe sinh hoạt trên xe để vận hành xe, bảo vệ hàng hóa, người đi cùng phải vào khu sinh hoạt tập trung.

Về các chính sách đối với xe nông sản khi làm thủ tục thông quan, ông Thiệu thông tin: Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, đảm bảo công khai, minh bạch theo thứ tự, xe đến trước được xuất trước; Ưu tiên các các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài... kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong điều hành hoạt động thông quan xuất nhập khẩu.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn ông Thiệu đề xuất hằng năm, Chính phủ, Bộ NN-PTNT nên tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu trực tiếp sản xuất, đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu.

Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cần sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật. Đồng thời, hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo duy trì thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

"Kiến nghị các địa phương tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển và sớm chuyển sang xuất khẩu chính ngạch hàng hóa nông sản", ông Thiệu nói.

Ngoài ra, cũng theo lời vị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, nên thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ phương thức truyền thống, không có hợp đồng thương mại sang phương thức hiện đại, thành lập hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường mới tiềm năng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

15h05

Ông Hồ Tiến Thiệu: Gần 4.600 container nông sản ùn ứ, chỉ còn cửa khẩu Hữu Nghị hoạt động

Nhập chú thích ảnh

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết về tình hình thông quan tại các cửa khẩu chính ở tỉnh.

"Hiện tồn 4.598 xe container vận chuyển nông sản. Nhiều ngày nay, nông sản đưa về các cửa khẩu gia tăng mạnh. Trong khi đó, tỉnh Quảng Tây của nước bạn triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống Covid-19. Từ thông tin một số lái xe chuyên trách nhiễm SARS-CoV-2, một số chủng loại hàng hóa có virus, phía Trung Quốc quyết định tiến hành rà soát lại công tác phòng chống dịch", ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết trong phần mở đầu họp báo.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thông tin thêm, hiện chỉ còn cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang thông quan. Cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng thông quan từ 18/12, cửa khẩu Chi Ma dừng từ 8/12. Việc thông quan trong thời gian ngắn gặp khó khăn, cần sự phối hợp giữa hai bên, cũng như giải pháp trong nội địa để giải quyết. 

"Việc ùn ứ hàng hóa gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp hai nước", Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.