| Hotline: 0983.970.780

Tìm hướng 'thoát dịch' cho rau, quả!

Thứ Năm 12/03/2020 , 09:36 (GMT+7)

Giải pháp bền vững là phải tái cơ cấu thị trường và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, đẩy mạnh chế biến sâu mặt hàng rau, quả…

Mặt hàng thanh long tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Minh Sáng.

Mặt hàng thanh long tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Minh Sáng.

Dịch bệnh gây khó

Ông Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) chia sẻ: “Vài tháng qua, giá xoài Đài Loan bán tại vườn chỉ có 6.000 - 7.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với khi đang thời điểm xuất khẩu tốt là 25.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện xoài bắt đầu  vào chính vụ thu hoạch nhưng đã gặp cảnh tồn hàng, rớt giá nên khi rộ vụ thu hoạch thì có thể còn thê thảm lắm”.

Theo ông Chí, mùa thu hoạch này cả HTX ước tính sản lượng phải 500 tấn xoài tươi. Nhưng kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xoài Đài Loan vẫn giữ ở mức giá thấp, ngoài ra xuất khẩu nhiều loại trái cây tươi cũng đều chậm hơn nhiều so với mọi năm. 

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cũng cho biết: “Khó khăn lớn hiện nay trong xuất khẩu trái xoài là khâu bảo quản còn lạc hậu. Vì với trái xoài tươi bán trong nước, cần bảo quản dưới 1 tuần, nhưng với xoài xuất khẩu, ít nhất phải bảo quản được trên 30 ngày, đòi hỏi công nghệ cao. Các thành viên trong HTX chúng tôi đều có nhu cầu đầu tư vào khâu bảo quản”.

Theo ông Bảo, thời gian qua các nhà khoa học cũng có nghiên cứu, hỗ trợ HTX về công nghệ bảo quản xoài, chuối... Nhưng HTX đang cần hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện công đoạn này.

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long sấy Long Châu (ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An), anh Nguyễn Ngọc Phan tâm sự: “Diện tích thanh long trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng, sản lượng cũng tăng nhanh.

Lâu nay thanh long chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc nhưng giá cả thường xuyên biến động.

Do vậy, chúng tôi đang bắt tay vào sản xuất thanh long sấy khô xuất khẩu và đã chào bán tại một số thị trường như Singapore, Malaysia… với mức tiêu thụ rất khả quan”.

Theo anh Phan, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản.

Cụ thể như xoài, thanh long, dưa hấu... đều có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc nhưng thời gian qua đã xảy ra tình trạng bị ùn ứ, rớt giá.

Do vậy, đã đến lúc cần phải mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến các mặt hàng trái cây để giải thoát sự lệ thuộc vào một thị trường, tìm kiếm thị trường mới.  

Những sản phẩm chế biến từ thanh long thu hút sự quan tâm của khách hàng quố tế. Ảnh: Minh Sáng.

Những sản phẩm chế biến từ thanh long thu hút sự quan tâm của khách hàng quố tế. Ảnh: Minh Sáng.

Mới đây, tại triển lãm và hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam không chỉ có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới mà các mặt hàng chế biến trái cây Việt Nam cũng bắt đầu có triển vọng đầu ra.

Hơn nữa, trước nhu cầu rau quả tươi và chế biến của thế giới đang ngày càng gia tăng, “sân chơi” đầu tư vào chế biến sâu của Việt Nam sẽ nhộn nhịp hơn.

Tăng cường đầu tư chế biến

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dự kiến đến năm 2030, tốc độ tăng giá hàng nông sản qua chế biến sẽ đạt 7% - 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành hàng đạt 30% trở lên; trên 50% cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: “Diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc cũng như nhiều thị trường khác.

Do vậy, trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát hiện nay, thị trường giao dịch nông sản qua biên giới Việt - Trung bị tắc nghẽn càng cho thấy ngành rau, quả cần phải tái cơ cấu thị trường, mở cửa và đa dạng hóa sản phẩm, tránh rủi ro vì phụ thuộc vào những thị trường nhất định”.

Sơ chế mặt hàng rau củ xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Sơ chế mặt hàng rau củ xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành rau quả Việt Nam cần đầu tư công nghệ sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, nhất là nước ép vì quy mô thị trường rất lớn.

“Thực tế trình độ kỹ thuật công nghệ chế biến của Việt Nam nhìn chung mới chỉ đạt ở mức trung bình của thế giới, chỉ có một số lĩnh vực công nghệ chế biến đạt mức độ tiên tiến, hiện đại nhưng chưa nhiều. Hiện tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến ngành hàng rau quả vẫn còn ở mức thấp, chỉ khoảng 5- 10%. Đặc biệt, tỷ lệ nông sản chế biến sâu mới chỉ đạt khoảng 7 - 8%”, ông Nguyên cho biết. 

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho rằng: “Việc tiếp tục thu hút doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào ngành chế biến nông sản là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý làm sao để các nhà máy hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền sản xuất nhỏ, phân tán như hiện nay”.

Thực tế, việc các địa phương đã có sẵn vùng trồng đạt chuẩn, nhưng mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy chế biến vẫn còn rất hạn chế. Đa phần các doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư, sau đó mới kết hợp cùng người dân và chính quyền để lo nguồn nguyên liệu sản xuất.

Theo đề xuất của các doanh nghiệp, về lâu dài rất cần vai trò của Nhà nước và các địa phương trong việc xác lập tiêu chuẩn cho nông sản nói chung, rau củ quả nói riêng, không thể chỉ một mình doanh nghiệp “tự bơi” kiểm soát vùng trồng như hiện nay… 

“Các nhà máy chế biến cần được xây dựng ở ngay vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí. Nhà nước cũng phải định hướng để doanh nghiệp chọn lọc đầu tư vào các mặt hàng có lợi thế, nghĩa là sản phẩm vừa có thị trường, vừa đảm bảo về mặt thời vụ kéo dài chứ không chỉ thu hoạch tập trung vào một giai đoạn ngắn trong năm khiến chi phí duy trì, khấu hao máy móc quá cao. Việc đầu tư nhà xưởng sơ chế, bảo quản cũng cần được quan tâm để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.

  • Tags:
Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.