| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Tìm lý do các tỉnh chuyển bệnh nhân sốt xuất huyết lên TP.HCM nhiều

Thứ Năm 30/06/2022 , 15:22 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế chỉ đạo, xem xét tìm lý do tại sao các tỉnh chuyển nhiều bệnh nhân đến TP.HCM điều trị sốt xuất huyết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm tình hình điều trị của người bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm tình hình điều trị của người bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 30/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tiến độ tiêm vacxin phòng Covid-19 cũng như tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế  trên địa bàn TP.HCM.

Thị sát khu vực khám chữa bệnh và nhà lưu trú thân nhân bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được nhiều người dân bày tỏ khó khăn vì phải từ các địa phương chuyển viện đến đây điều trị sốt xuất huyết. 

Chia sẻ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác, ông Đinh Văn Cương (ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vợ ông bị sốt, vào bệnh viện địa phương điều trị hai ngày không đỡ nên phải thuê xe cấp cứu xuống TP.HCM điều trị với chi phí gần 5 triệu đồng/chuyến xe. Vợ ông được chuyển vào khu hồi sức dành cho bệnh nhân nặng. "Nếu địa phương điều trị tốt thì không phải chuyển viện, hoặc ngay từ đầu điều trị không được thì nói thẳng luôn để chúng tôi tự xuống TP.HCM, đỡ tốn tiền xe cấp cứu,  trong khi gia đình đã nghèo", ông Cương bày tỏ.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số ca đang điều trị tại bệnh viện trong ngày 30/6 là 363 bệnh nhân sốt xuất huyết, thì có đến 50% số bệnh nhân là từ các tỉnh khác chuyển đến. 

50% số bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là được chuyển lên từ các tỉnh thành khác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

50% số bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là được chuyển lên từ các tỉnh thành khác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị xem xét một cách nghiêm túc: "Lý do làm sao các bệnh viện tỉnh lại chuyển bệnh lên đây. Phải chăng lý do dưới tỉnh thiếu thuốc và vật tư y tế, hay vấn đề chuyên môn... Phải nhìn đúng sự thật, bệnh viện tuyến dưới thiếu gì, khúc mắc ở đâu, để giải quyết gốc gác từng vấn đề".

Theo Phó Thủ tướng, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm nhưng thống kê năm nay, dịch đến sớm, đường biểu đồ tăng số ca rất dốc, chưa đến lúc cao điểm đã vượt số ca bệnh các năm trước. "Bệnh lưu hành thường niên, nếu không có biện pháp quyết liệt mà để dịch lan trên diện rộng thì chúng ta có lỗi lớn so với các loại dịch bệnh chưa biết trước đây như Covid-19", ông nói.

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết trong tháng 6, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần so với hai tháng trước. Hiện, bệnh viện đang điều trị 56 ca nặng, trong đó 6 trường hợp phải thở máy. "Những năm trước, bệnh nhân từ các tỉnh cũng chiếm gần một nửa, song số nhập viện thường tăng nhiều từ tháng 9. Năm nay, chỉ mới tháng 6 đã đông bệnh, phải kê thêm giường điều trị, nếu không kiểm soát tốt, số ca còn tăng thì sẽ quá tải", bác sĩ Dũng nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, thời gian qua, TP.HCM tăng cường nhiều biện pháp, tập huấn các bệnh viện, tuyến y tế cơ sở như trạm y tế, phòng khám tư nhân, nơi tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên đến khám, giúp tăng khả năng phát hiện và xử trí kịp thời những trường hợp trở nặng. Sở sẽ phân tuyến điều trị hợp lý hơn, nâng cao năng lực hồi sức của bệnh viện quận, huyện.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh thành tăng năng lực điều trị, xử trí tại chỗ những ca bệnh nhẹ, hội chẩn với tuyến trên, hạn chế chuyển viện không cần thiết. Các cơ sở có thể báo động đỏ liên viện, tuyến trên cử chuyên gia đến điều trị bệnh nhân tại chỗ, tránh chuyển viện làm tăng nguy cơ nặng của bệnh nhân nếu hồi sức trên xe cứu thương không đảm bảo. Đồng thời, TP.HCM cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí cho bệnh viện tuyến cuối đến các địa phương đào tạo, tập huấn chuyên môn.

Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có hướng dẫn phân tuyến điều trị sốt xuất huyết rất rõ ràng. Trong đó, bệnh nhân sốt xuất huyết độ 1 và độ 2 có thể điều trị tại tuyến huyện, độ 3 tuyến tỉnh, độ 4 mới cần đến tuyến trung ương. "Các địa phương cần phát huy hình thức hội chẩn điều trị từ xa, tuyến sau kết nối hỗ trợ tuyến trước, khi nào thực sự cần thiết mới chuyển viện. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đến làm việc trực tiếp một số địa phương để có chỉ đạo kịp thời, chấn chỉnh việc điều trị tại chỗ. Phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như Covid-19, cần phát huy "4 tại chỗ", nếu tập trung đông bệnh tuyến cuối có thể gây lây nhiễm chéo", ông Tuyên nói.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.