Hai trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 6/2 và 7/2 trong tình trạng buồn nôn, nôn ra thức ăn, than đau đầu.
Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc botulinum toxin và thống nhất sử dụng giải độc tố botulinum.
Hiện tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Tiêu hóa, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.
Sở Y tế TP.HCM ghi nhận những nỗ lực chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời cho 2 bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum toxin. Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.
Trước đó, hồi tháng 5/2023, TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc botulinum toxin sau khi ăn món bánh mì giò lụa mua dạo, nhưng kết quả xét nghiệm không ghi nhận mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn Clostridium botulinum.
Các bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum phổ biến, sống sót cao trong đất, bụi và được tìm thấy trong đất vườn, bùn, phân động vật tươi, đường tiêu hóa của động vật, gia cầm, cá... Độc tố Clostridium botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác.
Vi khuẩn Clostridium botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp như sữa bột, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí, ... Trong đó, đặc biệt các thực phẩm đóng hộp sơ chế thô sơ rất dễ nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.