| Hotline: 0983.970.780

Chi phí điều trị hai bệnh nhân ngộ độc botulinum hơn 300 triệu đồng

Thứ Sáu 09/06/2023 , 17:17 (GMT+7)

TP.HCM Chi phí sau 3 tuần điều trị của hai bệnh nhân ngộ độc botulinum là hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ BHXH, người bệnh được nhà hảo tâm hỗ trợ trả 130 triệu đồng.

ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy trao số tiền các mạnh thường quân hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy trao số tiền các mạnh thường quân hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

Ngày 9/8, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hai trường hợp ngộ độc botulinum nghi do ăn giò lụa mua của người bán dạo đã được xuất viện chiều qua (8/6) và chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang tiếp tục điều trị.

Đây là hai anh em ruột (26 tuổi và 18 tuổi) nhập viện vào ngày 14/5 và 15/5 tại khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán botulinum. Sau thời gian tích cực điều trị, đến nay sức cơ của hai bệnh nhân này vẫn chưa cải thiện nhiều so với ban đầu.

Theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh của hai bệnh nhân, phòng Công tác xã hội đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho 2 bệnh nhân được 130 triệu đồng.

"Với tổng kinh phí điều trị hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ đi phần kinh phí được thanh toán bảo hiểm, số tiền 130 triệu đồng từ tài trợ của mạnh thường quân đã được sử dụng để chi trả các chi phí ngoài danh mục bảo hiểm. Hôm qua, ngày 8/6, trước khi 2 bệnh nhân xuất viện, bệnh viện Chợ Rẫy đã chi trả các khoản tiền còn lại cho gia đình bệnh nhân", ThS Hiển cho hay.

TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hai bệnh nhân đã bắt đầu bước vào giai đoạn nuôi dưỡng nâng cao thể trạng và tập vận động thành bụng.

Hiện hai bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được. Người anh thực hiện được một số y lệnh đơn giản, khả năng tự thở vẫn hạn chế. Đây là bệnh nhân có sức cơ khá hơn khi nhập viện nhưng diễn tiến xấu dần, sức cơ yếu, cơ hô hấp yếu.

Trong khi đó, người em là bệnh nhân nặng hơn, đến nay tỉnh táo, gọi biết, gật đầu nhưng chưa thực hiện được y lệnh hay vận động đơn giản.

"Do hiện tại hai bệnh nhân vẫn đang thở máy kéo dài, quá trình này cần tập luyện có thể từ hai tháng trở lên. Hiện sinh hiệu hai bệnh nhân đều ổn định. Vì vậy, nhằm dự phòng các nguy cơ lây nhiễm cũng như thuận tiện cho việc chăm sóc của gia đình, 2 bệnh nhân đã được chuyển viện về bệnh viện địa phương (có đủ năng lực điều trị giai đoạn còn lại) để tiếp tục điều trị", bác sĩ Thủy Ngân thông tin thêm.

Trước đó, TP.HCM ghi nhận 6 bệnh nhân ngộ độc botulinum gồm 3 trẻ em và 3 người lớn. Trong đó, nhóm đầu tiên là 3 trẻ em ngộ độc botulinum được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, may mắn đã được truyền kịp thời 2 lọ thuốc giải độc cuối cùng lúc bấy giờ. Hiện một bệnh nhi đã phục hồi và xuất viện, còn hai bệnh nhi vẫn đang tiếp tục điều trị hồi sức.

Trước tình trạng thiếu thuốc giải độc, Bộ Y tế đã đàm phán và được Tổ chức Y tế Thế giới viện trợ thuốc giải độc, và lô thuốc giải độc BAT được vận chuyển về đến TP.HCM vào tối 24/5. Tuy nhiên, bệnh nhân 45 tuổi (nam) đã tử vong sau hơn 10 ngày điều trị mà không kịp truyền thuốc giải. Còn trường hợp là hai anh em ruột được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy không có chỉ định truyền thuốc giải do quá thời gian dùng thuốc hiệu quả.

6 bệnh nhân này bị ngộ độc botulinum sau khi ăn bánh mì cùng với giò lụa của người bán dạo (1 người ăn món mắm ủ lâu ngày - đã tử vong). Tuy nhiên, sau quá trình lấy mẫu xét nghiệm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, kết quả xét nghiệm 15 mẫu bánh mì, giò lụa liên quan đến các ca ngộ độc botulinum đã cho kết quả âm tính, không phát hiện vi khuẩn C. botulinum. Hiện chưa thể xác nhận nguồn gây ngộ độc botulinum cho các bệnh nhân là từ đâu. Còn bào tử vi khuẩn C. botulinum đều có trong đất, cát, nước và sinh ra độc tố trong môi trường yếm khí. 

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.