| Hotline: 0983.970.780

Tín chỉ carbon là chỉ dấu cho thành công của canh tác lúa bền vững

Thứ Ba 08/10/2024 , 16:07 (GMT+7)

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) về cơ hội cho chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Hội thảo 'Cơ hội và giải pháp kỹ thuật cho chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL' ngày 8/10. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội thảo “Cơ hội và giải pháp kỹ thuật cho chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” ngày 8/10. Ảnh: Quỳnh Chi.

Mở rộng thí điểm lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sáng 8/10, Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo “Cơ hội và giải pháp kỹ thuật cho chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”.

Hội thảo cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các nghiên cứu giống lúa có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, phương pháp canh tác bền vững và giảm phát thải, gắn với những xu hướng toàn cầu. Bên cạnh đó, IRRI giới thiệu về những hỗ trợ của tổ chức nằm xây dựng hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) và nâng cao năng lực của các địa phương tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án).

“Mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là tổ chức lại sản xuất để tạo ra vùng chuyên canh cây lúa, áp dụng các quy trình canh tác bền vững để thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến chuẩn hóa quy trình giảm phát thải. Như vậy, việc tạo ra những tín chỉ carbon được xác nhận sẽ là chỉ dấu cho sự thành công của canh tác lúa bền vững”, Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định.

Đến nay, Bộ NN-PTNT đã hoàn thiện Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL và Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án. Trong vụ đông xuân và hè thu sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo mở rộng diện tích thí điểm, tiến tới đo được hệ số phát thải carbon trên cây lúa.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: 'Tín chỉ carbon là chỉ dấu cho sự thành công của canh tác lúa bền vững'. Ảnh: Quỳnh Chi.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: "Tín chỉ carbon là chỉ dấu cho sự thành công của canh tác lúa bền vững". Ảnh: Quỳnh Chi.

Để nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông, Bộ NN-PTNT đã thực hiện rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia Đề án; tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh.

Qua khảo sát đánh giá của Bộ và trao đổi, làm việc với 12 địa phương tham gia Đề án để đạt được mục tiêu đã đề ra vào năm 2030, cần huy động nguồn lực tài chính khoảng 3 tỷ USD, trong đó nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức nông dân dự kiến chiếm 60% tổng nguồn vốn thực hiện Đề án và vốn vay ưu đãi chiếm 40%.

“Đối với Đề án, nút thắt lớn nhất là đầu tư hạ tầng. Do đó, Vụ Hợp tác quốc tế đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho nguồn vốn vay nước ngoài”, Vụ trưởng nói.

Thiếu cơ chế để động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp

Theo IRRI, công nghệ sản xuất lúa giảm phát thải có thể giúp giảm khoảng 65% lượng khí thải metan. Cụ thể, cải thiện quản lý nước thông qua phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ (AWD) giúp giảm trung bình 33% khí CH4; không đốt rơm giúp giảm lên đến 15% khí; vùi rơm kết hợp AWD giảm lên đến 10% và trồng lúa ngắn ngày làm giảm 7% lượng khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, một trong những trở ngại lớn trong nỗ lực giảm phát thải từ sản xuất lúa là các địa phương hiện nay vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế và an ninh lương thực, trong khi vấn đề giảm phát thải chưa được chú trọng đầy đủ. 

Còn thiếu cơ chế để động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp. Ảnh: Lê Thanh Tùng.

Còn thiếu cơ chế để động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp. Ảnh: Lê Thanh Tùng.

Ông Tùng nhận xét: “Việc ưu tiên sản lượng và thu nhập trước mắt đã làm hạn chế việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sản xuất”.

Bên cạnh đó, thiếu cơ chế cụ thể để động viên nông dân chuyển sang sản xuất lúa phát thải thấp cũng là một thách thức đáng kể. Khi không có chính sách khuyến khích rõ ràng, nông dân thường không có động lực để thay đổi các phương pháp canh tác truyền thống vốn phát thải cao, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng quy mô các biện pháp giảm phát thải.

Ngoài ra, nhiều vùng sản xuất lúa hiện nay vẫn gặp khó khăn về hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai các biện pháp giảm phát thải như phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ (AWD). Điều này khiến việc áp dụng công nghệ mới trở nên khó khăn và không đồng đều giữa các địa phương.

Chi phí để áp dụng các quy trình canh tác lúa phát thải thấp hiện nay vẫn còn cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều nông dân. Điều này khiến cho việc tiếp cận và thực hiện các biện pháp giảm phát thải trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ.

Liên kết nông hộ là yếu tố hàng đầu

Tại phiên thảo luận mở, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phân tích, tuy nông dân không quan tâm nhiều đến vấn đề giảm phát thải, họ lại rất có ý thức về sản xuất bền vững và hoàn toàn có khả năng tham gia vào quy trình này.

Khái niệm "phát thải thấp" vẫn còn mới mẻ và khó tiếp cận với người sản xuất, nhưng khái niệm “green” (xanh) sẽ dễ tiếp nhận hơn nhờ có nhiều động lực khuyến khích. Hiện tại, VIETRISA đang tập trung xây dựng một thương hiệu gạo bền vững với kế hoạch hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu "Gạo Việt Nam xanh và phát thải thấp" trong tháng này.

TS Bùi Bá Bổng: VIETRISA đang xây dựng một thương hiệu gạo bền vững mang nhãn hiệu 'Gạo Việt Nam xanh, phát thải thấp'. Ảnh: Quỳnh Chi.

TS Bùi Bá Bổng: VIETRISA đang xây dựng một thương hiệu gạo bền vững mang nhãn hiệu "Gạo Việt Nam xanh, phát thải thấp". Ảnh: Quỳnh Chi.

Cần Thơ là một trong những địa phương tiên được Bộ NN-PTNT chọn để triển khai mô hình thí điểm 50ha canh tác lúa giảm phát thải. Theo Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phạm Thị Minh Hiếu, đây là một thách thức lớn vì trước đây địa phương chưa có kinh nghiệm làm mô hình trình diễn ở quy mô như vậy. 

“Nông dân trong vùng, dù đã qua tập huấn từ dự án VnSAT và có kinh nghiệm sản xuất nhưng vẫn còn lo lắng khi áp dụng kỹ thuật mới với chỉ 70kg giống trên mỗi ha gieo sạ. Tuy nhiên, sau khi thấy hiệu quả thực tế, người dân đã rất phấn khởi với những kết quả ban đầu, tạo tiền đề cho sự mở rộng của mô hình trong tương lai”, Chi Cục trưởng thông tin.

Chuyên gia cơ giới hóa Phan Hiếu Hiền cũng đưa ra một số góp ý quan trọng. Ông nói: “Việc nhân rộng mô hình canh tác giảm phát thải lên 1 triệu ha chỉ có thể thực hiện được nếu có sự hỗ trợ về thiết bị công nghệ, bởi các tiến bộ sinh học và nông học cần có sự bổ trợ từ cơ sở hạ tầng công nghệ”.

TS Phan Hiếu Hiền cũng nhấn mạnh, chuỗi giá trị của ngành lúa gạo rất phức tạp, nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung vào các khâu trong quá trình sản xuất. Vì vậy, ông kêu gọi sự hợp tác của Bộ Công thương trong việc hỗ trợ cơ khí nông nghiệp, một lĩnh vực cần thiết để cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Tại sự kiện, Cục Trồng trọt đã công bố tiến bộ khoa học kỹ thuật về “Quy trình công nghệ cơ giới hóa sạ hàng kết hợp vùi phân bón trong sản xuất lúa ở ĐBSCL”. Bón vùi phân cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây lúa ngay từ những ngày đầu sau sạ. Trong khi đó, gieo sạ cụm giúp cây lúa tiếp xúc với phân và hút dinh dưỡng dễ dàng, hạn chế mất phân, kích thích rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng chống chịu của cây với những hình thái khí hậu cực đoan.

Xem thêm
Đề nghị Hà Lan hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để Việt Nam sớm thích ứng EUDR

Sáng 8/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sinh viên Bình Phước sẽ học đại học ngay tại tỉnh nhà

Bắt đầu từ năm học 2025 trở đi, sinh viên cao đẳng, đại học có hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước sẽ không phải đi học xa, mà học ngay tại tỉnh nhà.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà [Bài 4]: Mỗi năm hơn 10.000 tấn cá ‘bơi’ đi đâu?

Vùng hồ Hòa Bình hiện có gần 5.000 lồng nuôi cá; sản lượng hơn 10.000 tấn/năm. Dù đã có thương hiệu nhưng cá sông Đà vẫn loay hoay 'tự bơi' tìm người tiêu dùng...

Bình luận mới nhất