| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 04/03/2019 , 11:12 (GMT+7)

11:12 - 04/03/2019

Tin vui cho hộ nghèo

Kể từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ nâng mức cho vay tối đa đối với các hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, không phải dùng bất cứ tài sản gì để thế chấp hay đảm bảo cho khoản vay...

Cũng theo quy định tại quyết định số 12/QĐ-HĐQT do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Lê Minh Hưng mới ký ban hành, thời hạn cho vay sẽ được nâng lên 120 tháng (mười năm) thay vì 60 tháng (5 năm) như trước đây.

Mức cho vay tối đa đối với các hộ nghèo được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Đây quả là một tin vui đối với gần 7 triệu hộ nghèo và các hộ thuộc đối tượng chính sách được vay vốn, là khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Quyết định này cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với người nghèo càng ngày càng lớn hơn, càng sâu sắc hơn. Mức vay mới này sẽ đáp ứng được một phần lớn hơn nhu cầu về vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Với mức vay tối đa 50 triệu như trước đây, trên thực tế không ít hộ nghèo, dẫu được vay, cũng rất khó xoay sở với số tiền đó vì quá ít. Không ít hộ, do không đủ để đầu tư, dẫn đến việc phải vay thêm tín dụng “đen” mới đủ. Nhưng một khi đã vay tín dụng “đen”, thì lãi suất ngay lập tức sẽ trở thành một con dao cứa cổ người vay. Và mức lãi đó sẽ “ăn” ngay vào số tiền 50 triệu đã vay của ngân hàng, khiến cho không ít hộ trở thành trắng tay, không những không phát triển được sản xuất, không thoát được nghèo mà thậm chí còn nghèo hơn.

Nay, với mức vay mới này, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ thuộc diện chính sách sẽ có cơ hội đầu tư cho những dự án lớn hơn, và cơ hội thoát nghèo sẽ nhiều hơn. Mức vay mới này, cùng với gói vay 5.000 tỉ đồng được Ngân hàng Nhà nước giao cho Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) triển khai (xét duyệt chỉ trong 1 ngày, mỗi hộ nghèo được vay tối đa 30 triệu đồng, lãi suất hợp lí) nhằm ngăn chặn tín dụng “đen”, sẽ khiến cho nạn tín dụng “đen” bị hạn chế tối đa.

Thời gian cho vay được nâng từ 5 năm lên 10 năm cũng là một điều vô cùng thuận lợi. Đối tượng được vay vốn theo nghị định số 78 và các quyết định số 120, 15 của chính phủ là hộ nghèo, cận nghèo có tên trong danh sách của huyện. Và vay với mục đích chăn nuôi, trồng cây, buôn bán. Nếu hộ vay dùng vào mục đích trồng cây chẳng hạn, với 5 năm như trước đây, cây thu hoạch chưa ổn định thì đã đáo hạn, phải trả nợ ngân hàng rồi. Từ khi trồng cho đến năm thứ 5, người trồng không có thu nhập. Để có tiền trả nợ ngân hàng, chỉ còn trông vào nguồn thu hoạch từ cây, nhưng cây mới 5 năm tuổi, thu được bao nhiêu? Người trồng chỉ thực sự có lãi khi vườn cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên. Thực tế cho thấy, một vườn cây 10 tuổi cho thu nhập cao gấp nhiều lần một vườn cây mới 5 - 6 tuổi.

Chính sách mới này sẽ là động lực cho các hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững.