| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh đầu tiên có đề án chống rác thải nhựa trong nông nghiệp

Thứ Sáu 17/12/2021 , 10:40 (GMT+7)

Với diện tích gieo trồng 135.000 ha/năm, lượng nhựa thải ra môi trường của Hòa Bình khoảng 1.793 tấn/năm, phần lớn bị đốt hoặc bỏ mặc cho nát vụn thành hạt vi nhựa độc hại.

Chị Thu bên cây ni lông chuẩn bị trải luống. Ảnh: Vân Đình.

Chị Thu bên cây ni lông chuẩn bị trải luống. Ảnh: Vân Đình.

Bọc ni lông cả cánh đồng

Lúc tôi đến, chị Bùi Thị Thu ở xóm Sơn Phú, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đang lụi cụi trải cây ni lông to quá nửa thân hình bằng một dụng cụ tự chế. Một cây ni lông như thế nặng 10kg đủ che phủ cho 700m2 mà nhà chị thì có tới 1.700m2 bí xanh.

“Thu hoạch xong, tôi lại lật ni lông lên, đào đất, cho phân vào để trồng tiếp. Bình thường ni lông dùng được 2 vụ, nếu không có gà bới thì được 3 vụ. Khi thải ra, chỉ có cách đốt thôi chứ chẳng biết làm thế nào khác, có ai tuyên truyền gì đâu ngoài cách đốt”, chị Thu nói.

Cạnh đó là vợ chồng anh chị Bùi Văn Trường - Bùi Thị Thủy ở cùng xóm đang tranh thủ buộc giàn cho 3 sào bí xanh. Những vật dụng bằng nhựa họ dùng gồm hơn 10kg ni lông, 15kg cước và 6kg dây buộc. “Ni lông dùng được 2 năm là phải thay, bỏ ra chỉ có đốt, những hộ còn vứt trên bờ là chưa kịp đốt mà thôi”, chị Thủy tâm sự.

Cánh đồng Sơn Phú đang ngày ngày bị bọc kín ni lông bằng cách như vậy. Mấy đống rác ven đường ra đồng, trời mưa dầm mà vẫn còn ngún khói khét lẹt, lộ ra nham nhở những tấm màng ni lông cháy dở quăn queo.

Chị Thu buộc cây ni lông vào dụng cụ tự chế để trải luống. Ảnh: Vân Đình.

Chị Thu buộc cây ni lông vào dụng cụ tự chế để trải luống. Ảnh: Vân Đình.

Anh Bùi Văn Nức - Phó Chủ tịch xã Phong Phú cho biết, địa phương có 120ha rau màu, trong đó bí xanh chừng 30ha, ngoài ra còn mướp đắng, dưa bao tử mới triển khai trồng hồi đầu năm, chúng đều phải cần đến màng phủ ni lông.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, “nhiều vật liệu nhựa được đưa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, đầu vào có vẻ là tiến bộ khoa học kỹ thuật như ni lông để che phủ đất, chống cỏ mọc, giữ ẩm, giữ dinh dưỡng... rất nhiều nơi, kể cả doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cũng dùng. Trong canh tác ngày trước bà con hay dùng cây que, gậy để làm giàn, giờ lưới ra đời rất tiện nên thay thế luôn.

Ni lông phủ đất hay lưới ni lông làm giàn thì những nơi trồng nhiều bầu bí dùng nhiều như Yên Thủy, mùa đông che phủ mạ thì nơi nào nhiều lúa sẽ dùng nhiều như Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn... Túi xốp bọc hoa quả cũng là vấn đề đáng lưu ý. Trồng rừng, 1ha keo bỏ ra ngoài môi trường khoảng 1,7kg ni lông hay thậm chí là phát động Tết trồng cây, vô tình mỗi gốc cũng bỏ ra ngoài môi trường khoảng 80 gram ni lông. Tất cả những thứ đó không ai tính đến cả.

Chị Thu trải nylon trên luống bí. Ảnh: Vân Đình.

Chị Thu trải nylon trên luống bí. Ảnh: Vân Đình.

Những thứ bao bì trong nông nghiệp mà để ở nhà thường đưa vào thành rác thải sinh hoạt hay bị đốt bỏ, cái tôi lưu ý là những thứ đang thải ra trên đồng ruộng, núi đồi như túi bầu, lưới cước, ni lông che chắn chuột, ni lông trắng đồng để chống rét cho mạ. Nhiều năm tỉnh Hòa Bình không còn tình trạng mạ chết rét là nhờ giải pháp này nhưng vẫn phải đặt lại câu hỏi dùng ni lông 2 - 3 năm hỏng thì vứt đi đâu? Từ phạm vi sử dụng, quy mô sử dụng sẽ ra số lượng thải ra rất lớn”.

Bên cạnh đó là sử dụng các loại vật liệu nhựa như màng phủ, lưới cước, nhà lưới, nhà màng, ống dẫn nước, vòi phun nước, vòi tưới nhỏ giọt, bình phun...

Hàng năm có khoảng 1.468 tấn chất thải nhựa được thu gom (chiếm 81,90% tổng chất thải nhựa phát sinh), tuy nhiên chỉ có 68,7 tấn được thu gom vào nơi lưu chứa riêng (chiếm 3,83%); có khoảng 664 tấn thu gom lẫn cùng rác thải sinh hoạt (chiếm khoảng 37,03%); số còn lại khoảng 775 tấn được thu gom để tái sử dụng hay bán để tái chế (chiếm 42,16%); có khoảng 326 tấn chất thải nhựa bị vứt bỏ trên đồng ruộng (chiếm 19,1%).

Một nông dân đang gieo hạt trên luống đã phủ ni lông. Ảnh: Vân Đình.

Một nông dân đang gieo hạt trên luống đã phủ ni lông. Ảnh: Vân Đình.

Gần như toàn bộ lượng chất thải nhựa dù được thu gom trong bể riêng hay thu gom cùng rác thải sinh hoạt đều được xử lý không đúng cách, chủ yếu là đốt bỏ hay chôn lấp.

Như vậy có thể thấy, ngoài số lượng chất thải nhựa được thu gom để tái sử dụng hay bán cho nơi tái chế (775 tấn, chiếm 42,16%), toàn bộ chất thải nhựa còn lại (khoảng 1.018 tấn, chiếm 57,84%) đều tồn lưu trong môi trường ở dạng này hay dạng khác (khối nhựa đông đặc, mảnh nhựa, hạt vi nhựa, khí độc).

Kéo các ngành, địa phương cùng nhập cuộc

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Yến, từ khi có Thông tư 05 năm 2016 của liên Bộ NN-PTNT và Tài nguyên - Môi trường về thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tỉnh Hòa Bình đã tuyên truyền, tranh thủ các nguồn vốn dự án để trang bị hơn 1.500 bể thu gom cho các xã. Nhưng lại nảy sinh ra nhiều vấn đề, thứ nhất là địa phương nào hiểu thì việc thu gom được tổ chức thường xuyên, còn không thì lơ là.

Thứ hai là Thông tư này hạn chế ở chỗ chỉ có 2 bộ, nêu chung chung về thu gom và xử lý nhưng không nêu được nguồn kinh phí ở đâu, do ngành Tài nguyên - Môi trường hay do ngành NN-PTNT chi trả. Vỏ bao bì gom rồi lại đầy ứ hết mà không biết phải làm sao.

Ni lông vứt lung tung trên cánh đồng. Ảnh: Vân Đình.

Ni lông vứt lung tung trên cánh đồng. Ảnh: Vân Đình.

Bởi thế mà Hòa Bình vừa qua đã làm đề án thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021 - 2025, là địa phương đi tiên phong trong cả nước về vấn đề này.

Mục tiêu cụ thể gồm: Ít nhất 70% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 70% các xã, phường, các khu sản xuất trồng trọt tập trung được trang bị thùng thu gom thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt tiêu chuẩn;

100% số huyện, thành phố xây dựng khu lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý; 100% số xã về đích/đăng ký về đích nông thôn mới có hoạt động dịch vụ về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa trong sản xuất trồng trọt; ít nhất 70% chất thải nhựa từ sản xuất trồng trọt được phân loại tại nguồn.

Ni lông đốt ngay trên đồng của xã Phong Phú. Ảnh: Vân Đình.

Ni lông đốt ngay trên đồng của xã Phong Phú. Ảnh: Vân Đình.

70% cán bộ quản lý, công chức, viên chức phụ trách nông nghiệp cấp huyện, cấp xã, đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa; các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và ít nhất 50% đội ngũ trưởng thôn/bản được tập huấn, tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; có ít nhất 1 cơ sở dịch vụ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để xử lý chất thải nhựa nói chung, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nói riêng.

Nguồn kinh phí thực hiện: Vốn từ ngân sách địa phương hàng năm (cấp tỉnh, huyện); vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; vốn ODA; vốn hỗ trợ từ các bộ ngành; vốn từ doanh nghiệp, hợp tác xã và cả của người sản xuất…

Rác thải nhựa vứt bừa bãi trong khi thùng chứa rác thì lại rỗng không. Ảnh: Vân Đình.

Rác thải nhựa vứt bừa bãi trong khi thùng chứa rác thì lại rỗng không. Ảnh: Vân Đình.

“Chúng tôi không kỳ vọng đề án sẽ thực hiện được đồng loạt ngay mà phải làm mô hình thu gom từ đồng ruộng rồi lan tỏa dần. Chiến dịch thu gom rác thải nhựa sẽ gắn với chiến dịch thủy lợi, đánh bắt chuột, làm đất... tạo thành phong trào, tạo ý thức cho dân. Ngành nông nghiệp mang tính đôn đốc, chỉ đạo, còn mỗi ngành, mỗi địa phương đều có công việc cụ thể.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, việc sử dụng các vật liệu nhựa trong trồng trọt có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Với tổng diện tích gieo trồng khoảng 135.000 ha/năm thì lượng nhựa thải ra môi trường khoảng 1.793 tấn/năm, trong đó lớn nhất từ bao gói chứa đựng phân bón. Ngoài những loại phân được đóng bao 40 - 50 kg/bao còn xuất hiện nhiều dạng phân đóng bao 20 - 25 kg/bao hay dạng 1 - 5 kg/bao, đặc biệt ngày càng đa dạng các loại phân bón lá được đóng trong gói thiếc, chai nhựa dạng 100 - 500g làm nguồn chất thải nhựa tăng nhanh.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...