| Hotline: 0983.970.780

Tính đường dài cho lúa gạo Việt Nam

Thứ Tư 10/01/2024 , 15:26 (GMT+7)

Lúa gạo Việt Nam đã có thành công lớn trong năm 2023 nhưng vẫn còn nhiều vấn để phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững trong nhiều năm tới.

Một cánh đồng lớn của Tập đoàn Lộc Trời.

Một cánh đồng lớn của Tập đoàn Lộc Trời.

Giá gạo cao nhất thế giới không phải do ăn may

Tại buổi Tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo", do Báo Người Lao động tổ chức ngày 9/1, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng, thành công lớn của xuất khẩu gạo trong năm 2023 có cả yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là yếu tố nội tại của ngành lúa gạo Việt Nam.

Trong những năm gần đây, gạo Việt Nam đã có nhiều thời điểm cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan (giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn gạo Thái Lan). Giá cao hơn giá gạo Thái Lan cũng đồng nghĩa với việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới. Thế nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn rất tốt khi lần đầu tiên vượt mốc 8 triệu tấn/năm và đạt kim ngạch kỷ lục gần 4,8 tỷ USD trong năm 2023. Điều này chứng tỏ giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới không phải nhờ ăn may mà là do chất lượng gạo của Việt Nam đã được nâng cao.

GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ, trước đây, các thương nhân kinh doanh lúa gạo quốc tế thường chia gạo làm 2 loại. Một là gạo thơm, hạt dài của Thái Lan và một là gạo trắng. Gạo thơm Thái Lan do sản xuất dài ngày, mỗi năm chỉ có 1 vụ, năng suất lại thấp, do đó, thường được định giá rất cao, tới 800 USD/tấn. Còn gạo trắng được trồng từ các giống lúa ngắn ngày, một năm trồng nhiều vụ, năng suất cao, nhưng không thơm, vì vậy luôn được định giá ở mức thấp, chỉ khoảng 250-300 USD/tấn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công tác nghiên cứu giống lúa trong hàng chục năm qua, Việt Nam hiện đã có bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2-3 vụ, năng suất cao và gạo dẻo thơm. Đây là bộ giống mà các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… không có được. Và quan trọng hơn, bộ giống này đã giúp Việt Nam định vị một phân khúc gạo mới trên thị trường thế giới: gạo thơm ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Liên kết để đi đường dài

Tuy ngành lúa gạo Việt Nam đã có nhiều thành tựu lớn, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế lớn là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu hiện còn thấp.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An nêu dẫn chứng, diện tích sản xuất vụ đông xuân của tỉnh này là hơn 200 nghìn ha, nhưng hiện chỉ có khoảng hơn 20 nghìn ha có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Còn theo bà Vũ Phương Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Đồng Tháp, hiện mới có 25% diện tích lúa trên địa bàn có liên kết với doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Thái Bình, với đặc thù sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, để hình thành các vùng lúa nguyên liệu, hiện chưa có mô hình nào tốt hơn là xây dựng các cánh đồng lớn thông qua sự liên kết chặt chẽ, một cách bài bản giữa doanh nghiệp và nông dân. Chính vì vậy, một trong những giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng các cánh đồng lớn trong sản xuất lúa.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, sản xuất lúa ở ĐBSCL đã đảm bảo được an ninh lương thực nhưng chưa đảm bảo được an ninh thu nhập cho người trồng lúa. Mà để đảm bảo an ninh thu nhập cho người trồng lúa, phải có cơ chế chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro giữa doanh nghiệp và nông dân. Việc xây dựng các cánh đồng lớn là giải pháp tốt để tạo nên sự chia sẻ này, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo.

Ở Thái Lan, các doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo cũng đang liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, giống như Lộc Trời hay Trung An ở Việt Nam đang làm. Nhưng khác ở chỗ Thái Lan có hàng chục doanh nghiệp liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, còn ở Việt Nam, số doanh nghiệp đang làm cánh đồng lớn còn khá ít. Có những doanh nghiệp đang xuất khẩu với số lượng lớn, lên tới 700.000 đến 800.000 tấn/năm nhưng hoàn toàn từ gạo thu gom trên thị trường vì không có một vùng nguyên liệu nào.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động:

Xây dựng cánh đồng lớn là một chiến lược lâu dài. Công việc này dù khó nhưng rất cần sự kiên trì tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bởi yêu cầu về chất lượng sản phẩm đồng nhất là rất quan trọng khi xuất khẩu vào các thị trường. Thực tế đang có những doanh nghiệp thực hiện xây dựng cánh đồng lớn trên diện tích hàng nghìn, hàng chục nghìn ha và đã có được thành công.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất