Xuất khẩu sản phẩm trồng trọt hướng tới mục tiêu trên 26 tỷ USD. Phát triển nuôi tôm công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành thủy sản tập trung phát triển nuôi biển. Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu.
XUẤT KHẨU SẢN PHẨM TRỒNG TRỌT HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU TRÊN 26 TỶ USD
Khai thác
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩmtrồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD. Giá trị sản phẩm bình quân trên đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng/ha.
Phấn đấu đến 2050, trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.
PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Văn Vũ - Sản xuất
Tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 5.000ha nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, công nghệ cao. Người dân cũng dần chuyển đổi hình thức nuôi tôm truyền thống ao đất, sang nuôi tôm trong ao lót bạt. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn nuôi tôm hai,ba hoặc nhiều giai đoạn kết hợp lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động. Những mô hình này đã chứng tỏ được sự thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn; năng suất, chất lượng được nâng lên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm từ 20 – 25% kim ngạch xuất khẩu ngành tôm của cả nước. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện nuôi do biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh. Môi trường nuôi cũng đang chịu áp lực không nhỏ cùng với sự phát triển của ngành. Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 57.000 ha nuôi tôm, sản lượng tôm nuôi khoảng 233.800 tấn. Đến năm 2030, duy trì diện tích nuôi tôm 57.000 ha, sản lượng trên 311.000 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 1 tỷ USD.
NGÀNH THỦY SẢN TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NUÔI BIỂN
Khai thác
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh cho đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, ngành thủy sản còn đối diện với nhiều rào cản khác như phúc lợi động vật và chứng chỉ carbon đảm bảo an toàn môi trường sản xuất khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ,… Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2024 là 9,5 tỷ USD (tăng 0,3 tỷ USD so với năm 2023) với tổng sản lượng 9,22 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu ha.
Từ năm 2024 trở đi, Cục thủy sản sẽ tập trung phát triển thủy sản nuôi biển, nuôi lòng hồ song song với các giải pháp phát triển khoa học công nghệ để nâng cao giá trị chế biến từ sản phẩm nuôi và đánh bắt, ngoài ra tăng cường chiến lược thủy sản, phát triển sản phẩm từ phụ phẩm thủy sản.
VIỆT NAM CHI GẦN 5 TỶ USD NHẬP KHẨU THỨC ĂN GIA SÚC VÀ NGUYÊN LIỆU
Khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 12/2023 ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu cả năm 2023 đạt 4,99 tỷ USD, giảm 10,8% so với năm 2022.
Về mặt hàng, khối lượng nhập khẩu đậu tương cả năm đạt 1,97 triệu tấn, giá trị trên 1,20 tỷ USD, tăng 6,9% về khối lượng nhưng giảm 3,2% về giá trị so với năm 2022. Giá đậu tương nhập khẩu bình quân ước đạt 628 USD/tấn, giảm 9,5% so với năm 2022. Đối với lúa mì, tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này đạt 5,09 triệu tấn và 1,67 tỷ USD, tăng 30,2% về khối lượng và tăng 10,9% về giá trị so với năm trước. Giá lúa mì nhập khẩu bình quân năm 2023 ước đạt 328 USD/tấn. Bên cạnh đó, khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu năm 2023 lần lượt là 9,76 triệu tấn và 2,88 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng nhưng giảm 13,7% về giá trị so với năm 2022. Giá ngô nhập khẩu bình quân ước đạt 295 USD/tấn, giảm 15,1% so với năm trước đó.