| Hotline: 0983.970.780

Trọng trách mới của cây lúa

Thứ Năm 04/01/2024 , 14:01 (GMT+7)

Ngành lúa gạo Việt Nam thời gian qua đã đón nhận dồn dập những tin vui. Đó là những cơ hội để lúa gạo Việt Nam cất cánh, nhưng cũng là một áp lực.

Trách nhiệm quốc tế mới của ngành lúa gạo

Theo Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023, ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm chuyên canh lúa với 1 triệu ha vào năm 2023. Điều quan trọng nhất, vùng chuyên canh quy mô lớn này sẽ được tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Từ đây, hạt gạo Việt Nam đã được giao những trọng trách quốc tế - vấn đề mà toàn nhân loại cùng quan tâm, đó là bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

Cây lúa Việt Nam giờ đây sẽ gánh trên vai trách nhiệm quốc tế mới. Ảnh: TL.

Cây lúa Việt Nam giờ đây sẽ gánh trên vai trách nhiệm quốc tế mới. Ảnh: TL.

Tin vui tiếp theo, ngày 28/11/2023, Bộ Nội vụ ban hành quyết định cho phép thành lập Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam. Hiệp hội ra đời trong bối cảnh chuỗi ngành lúa gạo đang “mặc định” 3 khâu cơ bản: Khâu cung cấp đầu vào (là các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp, giống); khâu sản xuất (là nông dân/hợp tác xã); khâu tiêu thụ sản phẩm (là thương lái và doanh nghiệp mua bán nội địa, xuất khẩu). Ba khâu này vẫn chưa có sự liên kết, vẫn còn tình trạng “cắt khúc”. Chính vì thế, sự ra đời của Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên mối liên kết thành chuỗi ngành hàng, giúp nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi lâu dài, giúp nhau cùng tiến.

Hai ngày sau, ngày 30/11/2023, tin vui bay về từ Philippines: Việt Nam đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi The Rice Trader 2023. Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam. Giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" làm tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam. Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.

Nhưng, lúa gạo Việt Nam vẫn chưa hết những tin vui. Từ ngày 12 - 14/12/2023, sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã được Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức. Đây là sự kiện quốc tế lớn về lúa gạo được tổ chức tại Hậu Giang – một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo tại vùng chuyên canh lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp trong Đề án 1 triệu ha lúa vừa được Chính phủ thông qua. Tại cuộc họp báo thông tin về Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có cam kết tới đây sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam cơ sở hạ tầng, thị trường tín chỉ carbon… để thực hiện Đề án. Theo đó, dự kiến WB sẽ cho vay khoảng 350 - 400 triệu USD, nguồn ngân sách Nhà nước giành cho Đề án là 100 triệu USD.

Như vậy, lúa gạo Việt Nam đã có đầy đủ các tiền đề, từ cơ sở vật chất, hành lang pháp lý để đến cả thương hiệu để sẵn sàng “cất cánh”…

Áp lực...

Với những thông tin dồn dập đến với ngành lúa gạo Việt Nam thời gian qua, có thể nói đó là điều rất vui. Đó là những tin tốt lành mà ngành lúa gạo Việt Nam đã chờ đợi từ lâu, và đó cũng là điều tất yếu, xứng đáng với thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành, bà con nông dân trong suốt thời gian qua. Nhưng từ đây, ngành lúa gạo nước ta cũng sẽ đối diện với rất nhiều áp lực.

Sản xuất lúa gạo giờ đây không chỉ còn đơn thuần nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn đảm bảo 'an ninh khí hậu' toàn cầu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất lúa gạo giờ đây không chỉ còn đơn thuần nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn đảm bảo "an ninh khí hậu" toàn cầu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Áp lực đầu tiên, đó là việc giữ vững vị thế của hạt gạo ngon nhất thế giới. Khi bạn là hoa hậu, cả thế giới sẽ nhìn vào bạn, trông chờ, kỳ vọng, thậm chí sẽ giám sát bạn kỹ lưỡng hơn để tìm ra những lỗi nhỏ của bạn. Danh hiệu được trao tặng là có thời hạn, và sẽ luôn có những "đối thủ” tìm cách soán ngôi vị.

Danh hiệu đó khẳng định thương hiệu, nhưng cũng đồng thời cũng trao cho hạt gạo Việt Nam một nhiệm vụ nặng nề. Sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ phải tuân theo một quy trình chuẩn mới, vừa đảm bảo chất lượng cao, vừa tuân thủ quy định phát thải thấp để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính… – những nội dung mà chúng ta cũng đã cam kết với quốc tế.

Áp lực của hạt gạo Việt Nam không chỉ là giữ được “vương miện” – thương hiệu, mà còn phải giữ được uy tín - thứ còn quý hơn cả vàng!

Người đứng sau hạt lúa

Ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết 26 về vấn đề "tam nông": Nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là nghị quyết bàn đến vấn đề cốt lõi của một đất nước mà trong truyền thống, nông nghiệp là thế mạnh, nông thôn là vùng chiếm tỷ lệ lớn (62,7%) so với khu vực thành thị (37,3%) và nông dân cũng chiếm tỷ lệ áp đảo với 65% trong cơ cấu thành phần.

Với vai trò, vị thế mới của cây lúa, nông dân xứng đáng được hưởng những thành quả lớn hơn. Ảnh: LHV.

Với vai trò, vị thế mới của cây lúa, nông dân xứng đáng được hưởng những thành quả lớn hơn. Ảnh: LHV.

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chưa bao giờ là ngành không trọng điểm. Từ sau Đổi mới, đặc biệt là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỷ trọng của ngành nông nghiệp có giảm do tốc độ tăng trưởng của ngành này chậm hơn so với công nghiệp, dịch vụ chứ không hẳn do quy mô giảm xuống.

Những năm gần đây, những vấn đề toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu… đặt ra cho nhân loại phải có sự tính toán, chọn lựa, đó là phát triển nóng, gấp gáp để đạt hiệu quả kinh tế nhưng bù lại phải đánh đổi môi trường. Và, nhân loại phải chọn những ngành phát triển bền vững, có cơ hội cân bằng trở lại được môi trường sống, đó là phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải.

Nông dân – những người trực tiếp lao động trên đồng ruộng ở giai đoạn ban đầu, vai trò của họ một lần nữa được nhìn nhận, đó là những người trực tiếp quyết định/góp phần vào mục tiêu chung mà nhân loại đang hướng tới là bảo vệ môi trường.

Trong thời chiến, nông dân nước ta là lực lượng cơ bản, nòng cốt, chủ lực của cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong thời bình, họ tiếp tục là lực lượng lao động sản xuất chính, chủ yếu. Và bây giờ, họ tiếp tục được trao cho sứ mệnh bảo vệ môi trường sống trong thời điểm nông nghiệp được lựa chọn là nền kinh tế xanh.

Nhưng, chưa bao giờ người nông dân được nhận đúng những gì mà công sức họ bỏ ra. Họ luôn là những người vất vả, thiệt thòi và yếm thế nhất trong xã hội. Bài toán “được mùa, rớt giá” hay giá lúa gạo, lương thực bấp bênh, lên xuống, không kiểm soát, không làm chủ… luôn là những bài ca.

Với trọng trách mới của sản xuất lúa, nông dân cũng sẽ gánh trên vai những áp lực mới về sự tuân thủ quy trình sản xuất lúa gạo có trách nhiệm. Ảnh: LHV.

Với trọng trách mới của sản xuất lúa, nông dân cũng sẽ gánh trên vai những áp lực mới về sự tuân thủ quy trình sản xuất lúa gạo có trách nhiệm. Ảnh: LHV.

Cũng từ lâu, chúng ta vẫn nhắc tới mối liên kết "4 nhà: Nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước. Liên kết này giúp phân chia trách nhiệm của mỗi nhà, gắn kết các quá trình sản xuất của mỗi nhà với nhau để xây dựng mô hình phát triển bền vững và ổn định. Tuy nhiên, mối liên kết ấy chưa bao giờ được xâu lại thành chuỗi, vẫn có những đứt gãy bởi mỗi “nhà” đều có những hạn chế riêng và những “cá tính” riêng: Nhà nông – tư duy manh mún, nhỏ lẻ; nhà doanh nghiệp – mục tiêu hướng tới lợi nhuận là số 1; nhà khoa học – vẫn chưa thực sự có tư duy nghiên cứu đặt hàng, và Nhà nước vẫn có những lúc bối rối về đường lối, chính sách, chủ trương…

Những tin vui liên tiếp đến với ngành lúa gạo Việt Nam thời gian qua tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi phải có lộ trình giải quyết các vấn đề một cách bền vững, hiệu quả; làm thế nào để cân đối, hài hòa các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là vai trò, vị thế và quyền lợi của những người nông dân “đứng sau hạt lúa”.

Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm cần tiến hành tri thức hóa nông dân, đưa kiến thức đến với họ. Từ trước tới giờ, nông dân vẫn luôn làm và làm tốt thứ mà họ giỏi nhất, đó là làm chủ ruộng đồng. Tuy nhiên, “cánh đồng” bây giờ không còn là cánh đồng ngày trước, và, người nông dân thời nay không chỉ làm ra hạt gạo, mà phải có trách nhiệm với “hạt gạo thương hiệu” của chính mình!

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.