| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 16/11/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 16/11/2015

Tinh giản bộ máy: Nói và làm?

Hưởng ứng quyết tâm của Chính phủ, nhiều địa phương đã lập đề án tinh giản, trong đó đi đầu là TP Hồ Chí Minh. 

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, trong 7 năm tới (2015-2021) phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế của các bộ, ngành và địa phương.

Trước đó vài năm, đề án của Bộ Nội vụ về việc từ 2015 đến 2020 sẽ tinh giản 100.000 biên chế, đã gây ồn ào dư luận một thời, rồi chìm vào quên lãng khi chính Bộ này chủ trương “giảm bằng cách không tăng thêm”.

Báo cáo lần này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trước một vấn nạn hàng đầu của đất nước: Đã đến lúc không thể chấp nhận được một bộ máy hành chính quá cồng kềnh, chồng chéo, khiến cho ngân sách kiệt quệ vì chi thường xuyên quá lớn. Và càng cồng kềnh, càng chồng chéo thì lại càng kém hiệu quả, số người ngồi chơi rồi đến tháng lĩnh lương càng nhiều, tham nhũng tràn lan.

Lần này, hưởng ứng quyết tâm trên của Chính phủ, nhiều địa phương đã lập đề án tinh giản, trong đó đi đầu là TP Hồ Chí Minh.

Đề án tinh giản biên chế vừa được Sở Nội vụ trình UBND thành phố nêu rõ: Trong 6 năm tới, TP sẽ tinh giản 1.300 người ở khối hành chính và hơn 12.600 người ở khối sự nghiệp.

Nói rõ hơn với báo chí về đề án này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Văn Làm cho biết: “Đối tượng cần tinh giản là công bằng, không có giới hạn, kể cả chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở, ngành, phó trưởng phòng các sở, ngành trở lên cũng thuộc diện tinh giản, không có ngoại lệ, thậm chí thạc sỹ, tiến sỹ không làm được việc cũng sẽ bị tinh giản”.

Những lời phát biểu mới tâm huyết, mới thẳng thắn làm sao. Đặc biệt là đối tượng tinh giản biên chế của TP lần này không loại trừ cả những thạc sỹ, tiến sỹ, nếu không làm được việc. Những thạc sỹ, tiến sỹ loại này, dân gian thường gọi là những “thạc sỹ, tiến sỹ giấy”.

Trong khối ASEAN, có lẽ không nước nào có nhiều thạc sỹ, tiến sỹ như nước ta. Nhưng cũng không nước nào có ít công trình khoa học và bằng sáng chế như nước ta. Điều đó phản ánh rằng số thạc sỹ, tiến sỹ giấy ở ta rất nhiều. Những thạc sỹ, tiến sỹ ấy làm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ bằng đủ mọi cách.

Không ít người có loại “bằng thạc sỹ, tiến sỹ…17.000 USD”, tức là mua bằng với giá ấy từ một trường đại học đã giải thể hàng chục năm trước, là trường đại học Nam Thái Bình Dương của Mỹ. Những người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ “của Mỹ” mà một nửa từ tiếng Anh không biết, và thời gian đi “làm luận án” chỉ chưa đầy 6 tháng, có người thậm chí còn không đi một ngày.

Vấn đề là làm thế nào để phân biệt được tiến sỹ, thạc sỹ không giấy với thạc sỹ, tiến sỹ giấy?

Người xưa có câu “danh có chính thì ngôn mới thuận”. Muốn tinh giản số thạc sỹ, tiến sỹ giấy này, trước hết hãy kiểm tra luận văn của họ, và kiểm tra bằng cấp của họ. Luận văn nào, bằng cấp nào được thực hiện theo đúng quy định tại các thông tư của Bộ GD-ĐT về chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ (mới nhất là TT số 05/2012/BGDDT) thì để. Số còn lại thì tinh giản thẳng cánh, không nhân nhượng. Chỉ cần làm một động tác ấy thôi, thì đã tinh giản được hàng nghìn thạc sỹ, tiến sỹ loại này, chỉ trong một năm, chứ chưa cần 6 năm.

Nói được, nhưng mong là làm được.