| Hotline: 0983.970.780

Tồn tại trong cấp phép khai thác khoáng sản tại Phú Yên

Thứ Tư 20/11/2024 , 06:30 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên và Môi Trường chỉ rõ việc UBND tỉnh Phú Yên cho phép doanh nghiệp khai thác khoáng sản trước khi cấp phép là không đúng quy định.

Khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: ĐB.

Khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: ĐB.

Mới đây, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá, việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Phú Yên cho thấy nhiều tồn tại, sai phạm.

Cụ thể, việc UBND tỉnh này cho phép Tổng Công ty Thành Trung khai thác khoáng sản trước khi cấp phép (vừa khai thác vừa hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác) theo Thông báo số 831/TB-UBND là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 64 và khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản.

Bên cạnh đó, nội dung của Giấy phép khai thác khoáng sản số 16 ngày 1/7/2020 của UBND tỉnh cho phép Tổng Công ty Thành Trung khai thác đất tại mỏ đất san lấp núi Cây Tra, thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa (nay thị xã Đông Hòa) không ghi nội dung cấp cho công trình, dự án cụ thể theo tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là không đúng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, giấy phép số 16 ngày 1/7/2020 của Tổng Công ty Thành Trung, giấy phép số 37 ngày 14/12/2020 của Công ty TNHH Dịch vụ-Tư vấn đầu tư dầu khí Vũng Rô không nêu căn cứ quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản. Giấy phép khai thác khoáng sản số 37/GP-UBND ngày 14/12/2020 cho phép Công ty TNHH Dịch vụ - Tư vấn đầu tư dầu khí Vũng Rô không nêu trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, cũng như có mức sâu khai thác chưa phù hợp với từng khối trữ lượng được nêu tại Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường còn chỉ ra, Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 1/7/2020, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đất san lấp núi Cây Tra, thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông của Tổng Công ty Thành Trung và Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 14/12/2020, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường Vũng Đá Bàn, thôn Phú Thạnh, xã An Chấn (huyện Tuy An) của Công ty TNHH Dịch vụ - Tư vấn Đầu tư Dầu khí Vũng Rô không căn cứ vào trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà căn cứ vào trữ lượng địa chất được phê duyệt là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại thời điểm thanh tra, tỉnh Phú Yên còn 7 tổ chức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 2,3 tỷ đồng; cũng như có 7 giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định, nhưng chưa nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ.

Trường hợp phát hiện sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước những tồn tại, sai phạm trên, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chấn chỉnh công tác khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản và việc cho phép khai thác khoáng sản trước khi cấp Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không đúng quy định.

Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, kiểm tra và xử lý theo quy định việc cho phép Tổng Công ty Thành Trung khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép khai thác.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.