| Hotline: 0983.970.780

Tội ác bên trong rừng thông Tây Nguyên: [Bài 3] Ban hành 240 văn bản giữ rừng trong 9 tháng

Thứ Sáu 06/10/2023 , 09:30 (GMT+7)

Thừa nhận rừng phòng hộ Đạ Sar là điểm nóng bị tàn phá, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim nói: Việc xử lý thuộc thẩm quyền của... đơn vị khác.

Một quả đồi trước kia phủ thông xanh vừa bị cạo trọc tại rừng Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Kiên Trung.

Một quả đồi trước kia phủ thông xanh vừa bị cạo trọc tại rừng Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Kiên Trung.

Bí thư, Chủ tịch huyện Lạc Dương chỉ đạo kiểm tra ngay lập tức

Bài liên quan

Khẳng định với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam ngay khi nhận được thông tin, ông Bùi Thế - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay lập tức khu vực rừng thông Đạ Sar bị xâm hại. Cùng thời điểm, Bí thư huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cũng khẳng định sẽ chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương vào cuộc.

Ngay trong buổi chiều 27/9, tại khu vực rừng thông Đạ Sar bị xâm hại nghiêm trọng thuộc Tiểu khu 118, lâm phần thuộc xã Đạ Sar do BQL rừng phòng hộ đầu nguồn (Ban QLRPHĐN) Đa Nhim quản lý, gần chục cán bộ của vườn được giao phụ trách khu vực rừng này đã có mặt kiểm tra hiện trường. Ông Đinh Hữu Đạo, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cũng có mặt trong đoàn kiểm tra này.

Một cán bộ thuộc BQL được giao quản lý rừng thuộc tiểu khu 118 thừa nhận, “đây là vụ việc phá rừng có hệ thống” và là vụ việc xâm hại rừng quy mô lớn từ trước đến nay. Diện tích rừng thông bị xâm hại lên tới gần chục ha. Khi phát hiện vụ việc (khoảng năm 2021), đơn vị này đã báo cáo lên UBND huyện Lạc Dương, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, Công an huyện… về sự việc.

"Nỗ lực của BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim là giữ hiện trạng, không cho vận chuyển, mang vác gỗ thông ra khỏi khu vực. Ngoài ra cũng đang tiến hành trồng mới thông thay thế diện tích rừng bị chặt phá. Mấy năm trước, đây là khu rừng phòng hộ có giá trị, tuổi rừng lên tới 40 - 50 năm", người này cho hay.

 
Chiều 27/9, cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim - chủ rừng vào kiểm tra hiện trường ngay sau khi phóng viên thông tin sự việc với Bí thư, Chủ tịch huyện Lạc Dương. Ảnh: Minh Hậu.

Chiều 27/9, cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim - chủ rừng vào kiểm tra hiện trường ngay sau khi phóng viên thông tin sự việc với Bí thư, Chủ tịch huyện Lạc Dương. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Đinh Hữu Đạo, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, nhiệm vụ, chức năng của đơn vị này là quản lý, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng được giao trên địa bàn, không có chức năng xử lý các vi phạm. Do đó, với những vụ việc phá rừng, thẩm quyền xử lý thuộc UBND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương.

"Vụ việc này đã được Công an huyện Lạc Dương khởi tố vụ án, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, diễn biến vụ việc, kết quả điều tra tới đâu…, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim không nắm được", ông Đạo nói.

Xác nhận thêm, ông Đạo cho biết mục đích của người chặt phá rừng không phải lấy gỗ mà nhằm lấy đất rừng làm rẫy. Thời gian qua, đất nông nghiệp để làm nông trang tại Lâm Đồng có giá trị rất cao, người dân địa phương chặt cây, phát rừng, đốt cây cỏ dại… để tự ý chuyển đổi thành đất rẫy, sau đó chuyển nhượng, mua bán sang tay cho nhau trái quy định.

"Việc chuyển nhượng, mua bán này là họ bắt tay ngầm với nhau, không có chính quyền nào đứng ra xác nhận, chứng thực việc chuyển đổi, mua bán này. Theo quy định, xâm hại từ 3.000m2 đất rừng phòng hộ, 5.000m2 đất rừng sản xuất trở lên phải bị khởi tố theo quy định”, ông Đạo thông tin.

Cán bộ trạm chăm sóc bảo vệ rừng Đạ Sar cho biết, những cây thông bị chết được khai thác tận thu, số lượng khoảng 800 cây còn lại để tự chết khô, tự gãy rụng vì nếu chặt hạ sẽ ảnh hưởng tới thông non vừa mới trồng thay thế. Ảnh: Minh Hậu.

Cán bộ trạm chăm sóc bảo vệ rừng Đạ Sar cho biết, những cây thông bị chết được khai thác tận thu, số lượng khoảng 800 cây còn lại để tự chết khô, tự gãy rụng vì nếu chặt hạ sẽ ảnh hưởng tới thông non vừa mới trồng thay thế. Ảnh: Minh Hậu.

Ngay tại hiện trường rừng thông Đạ Sar bị tàn sát theo hình thức chặt gốc cây, khoan lỗ rồi tiêm thuốc diệt cỏ để cây chết khô…, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim xác nhận với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, số lượng cây thông đang bị chết khô hiện tại kiểm đếm là 800 cây. Số gỗ thông tập kết tại hiện trường là những cây đã chết, được tận thu, sau đó sẽ tiến hành đấu giá, thanh lý theo quy định pháp luật. Những cây thông đã, đang và chuẩn bị chết khô, sẽ để cho nó… chết tự nhiên, khi thân cành mục nát vì mưa nắng sẽ tự gãy rụng, bởi “nếu chặt hạ sẽ ảnh hưởng tới các cây non mới trồng”.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng điều tra, xác minh vụ việc, khối lượng gỗ thông “tận thu” lên tới cả trăm m3, có những cây đường kính thân lên tới gần 1m… bị chất đống, phơi mưa nắng ngoài trời, bị mối mọt xâm hại trở thành gỗ mục. Đó là chưa tính đến, nếu “tận thu” 800 cây thông theo báo cáo kiểm đếm đang chết đứng chờ gãy mục, khối lượng gỗ tận thu này sẽ lên tới cả ngàn m3.

"Đặc thù của loại gỗ thông là rất nhanh bị hoai mục, nhất là khi có mối xông, chỉ thời gian ngắn là không còn sử dụng được", ông Đạo nói.

Một khu rừng thông xanh mướt ở Đạ Sar. Ảnh: Kiên Trung.

Một khu rừng thông xanh mướt ở Đạ Sar. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ rừng thông Đạ Sar: "Bài ca" mỏng, yếu, thiếu…

Phó Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim Đinh Hữu Đạo cho hay, đơn vị được giao quản lý gần 41.000 ha rừng thuộc 50 tiểu khu, nằm trên địa bàn 5 xã và 1 thị trấn của huyện Lạc Dương. Lâm phần rừng thông tại xã Đạ Sar lên tới trên 10.000 ha. Trong khi đó, số lao động và biên chế được giao là 54 người (51 biên chế và 3 hợp đồng lao động).

Một rẫy cà phê được trồng ở ngay rừng thông cổ thụ 50 năm tuổi ở Đạ Sar. Ảnh: Kiên Trung.

Một rẫy cà phê được trồng ở ngay rừng thông cổ thụ 50 năm tuổi ở Đạ Sar. Ảnh: Kiên Trung.

"Lực lượng bảo vệ rừng rất mỏng so với diện tích rừng được giao, trong khi đó, chế độ, chính sách cho anh em rất thấp, không đủ để giữ chân cán bộ ở lại giữ rừng, nếu để xảy ra vụ việc phá rừng khu vực rừng được giao sẽ bị kỷ luật rất nặng. Rất nhiều anh em đã bỏ việc, ra khỏi ngành chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn để đảm bảo cuộc sống", ông Đạo nói.

Theo ông Đạo, 9 tháng đầu năm 2023, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã ban hành hơn 240 văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục tập trung tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên lâm phần đơn vị quản lý. Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim trong một tháng ban hành 124 văn bản (trong đó có 38 quyết định; 26 báo cáo, tờ trình; 60 công văn, kế hoạch…) chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, nhất là công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Mặc dù số lượng văn bản ban hành để bảo vệ rừng lên tới con số hàng trăm, nhưng 9 tháng năm 2023, trên lâm phần đơn vị quản lý có 26 hồ sơ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích tác động là hơn 1,7ha; khối lượng lâm sản 106,5 m3; trong đó 24 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm; có 31,485ha/146 vị trí đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình trái phép. Nhiều khu vực, các trạm quản lý bảo vệ rừng tổ chức giải tỏa các diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, nhổ bỏ cây trồng trên đất chuyển đổi trái phép nhưng sau đó vẫn bị tái chiếm…

 
 
Trong lúc chờ đợi cơ quan công an điều tra vụ việc, hàng trăm m3 gỗ thông, dù là tận thu, nằm phơi mưa nắng, mục nát. Ảnh: Kiên Trung.

Trong lúc chờ đợi cơ quan công an điều tra vụ việc, hàng trăm m3 gỗ thông, dù là tận thu, nằm phơi mưa nắng, mục nát. Ảnh: Kiên Trung.

Là người có thâm niên quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn ở Lạc Dương, ông Đạo cho biết “không lạ gì” với thủ đoạn “chặt ken” - tức là đốn hạ xen kẽ những cây lẻ trong một khu vực rừng, sau đó trồng cây khác để lấn chiếm đất rừng, chuyển thành đất sản xuất nông nghiệp. Đó là lý do, trong một vạt rừng thông xanh tốt, bỗng dưng xuất hiện một vài cây chết khô, chết đứng, rồi một thời gian sau nếu không để ý, chỗ rừng xâm hại đã thành một mảnh rẫy!

Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, một cán bộ quản lý của Hạt Kiểm lâm Lạc Dương cho biết, những điểm nóng như lâm phần Đạ Sar, Hạt đã cử một Hạt phó lên “nằm vùng” để nắm sát địa bàn. Mới đây, một vụ việc xâm hại rừng thông mới được phát hiện, những cây thông chết được chặt hạ thành gỗ để lại hiện trường. “Chúng tôi lắp camera giám sát để xem ai đến lấy gỗ, từ đó truy tìm đối tượng tàn sát cây thông”, vị này cho hay.

Cũng giống như hàng trăm m3 gỗ thông 'tận thu', những phương tiện thu giữ trong các vụ phá rừng cũng đang là thứ khiến các chủ rừng đau đầu vì... không biết xử lý như thế nào.

Cũng giống như hàng trăm m3 gỗ thông "tận thu", những phương tiện thu giữ trong các vụ phá rừng cũng đang là thứ khiến các chủ rừng đau đầu vì... không biết xử lý như thế nào.

 
Phương tiện, tang vật của các vụ phá rừng tại Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Phương tiện, tang vật của các vụ phá rừng tại Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Kiên Trung.

Dẫn chúng tôi ra chỗ tập kết các phương tiện thu giữ trong các vụ phá rừng gồm cả trăm phương tiện xe máy, gần chục chiếc ô tô bị thu giữ đang để ngoài trời của Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, đến nay đã hoen rỉ thành sắt vụn, cán bộ Hạt phân trần: "Ngay đến tang vật thu giữ cũng còn khó giải quyết. Nếu thanh lý, hóa giá vắng mặt, một ngày đẹp trời, có người xuất hiện và đòi lại phương tiện của họ, lúc đó mình biết lấy gì để trả, trong khi các vụ việc phá rừng, khi lực lượng đến hiện trường thì người vi phạm đều đã bỏ trốn nên không biết ai là chủ phương tiện, chủ phương tiện có đồng thời là người vi phạm hay không. Chúng tôi lập biên bản, thu giữ theo quy định. Mấy chục năm qua, chuyển cơ quan, trụ sở… đi đâu cũng phải mang theo những tang vật nói trên, vì không có nhà kho để lưu giữ”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm