GS.TS Lê Mạnh Hùng |
Thưa ông, ngập ở TP.HCM không phải là chuyện mới mẻ và công tác chống ngập đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Nhưng tại sao đến giờ TP vẫn loay hoay với chuyện chống ngập?
TP.HCM là một đô thị rất rộng lớn, mà lại có nhiều chỗ thấp. Do đó, ngập là chuyện rất bình thường. Lâu nay, nói về nguyên nhân ngập ở TP.HCM, ai cũng chỉ nói chung chung như do mưa, do triều cường, do cả mưa lẫn triều… mà không có đo đạc, phân tích số liệu cụ thể, nên không biết rõ nguyên nhân chính xác gây ngập ở từng khu vực. Thành ra, các giải pháp chống ngập được đề ra cứ thấy mơ hồ, không rõ ràng. Như thế thì không bao giờ giải quyết được ngập.
Để giải quyết căn cơ tình trạng ngập ở TP thì phải làm một cách thật đồng bộ. Mà trước hết, phải xác định rõ ràng từng vị trí ngập là do nguyên nhân nào. Do triều cường, do mưa hay do cả mưa lẫn triều?
Nếu xác định được vị trí A bị ngập do mưa thì phải đo đạc để biết rõ lượng mưa bao nhiêu mm và mưa trong thời gian như thế nào sẽ gây ngập. Khi đã bị ngập, thời gian ngập là bao lâu. Cũng như vậy, nếu xác định vị trí B bị ngập do triều thì phải đo đạc để biết rõ triều cao mức nào sẽ gây ngập, ngập trong bao lâu.
Cơ quan phụ trách chống ngập của TP.HCM phải tiến hành những việc đo đạc ấy. Khi có những con số cụ thể mới chỉ ra được nguyên nhân chính xác gây ngập, qua đó mới đề ra được giải pháp giải quyết ngập thích hợp cho từng điểm ngập. Chẳng hạn, những nơi biết chính xác bị ngập do triều cường, có thể tiến hành lắp cửa đóng mở tự động theo triều ở các cửa cống tiêu thoát nước. Khi triều lên, cống sẽ tự động đóng lại để ngăn không cho triều tràn vào theo đường cống để gây ngập. Khi triều xuống, cống tự động mở ra để tiêu thoát nước ra sông, kênh, rạch. Chỗ nào xác định chính xác là ngập do mưa thì kiểm tra, tu bổ, sửa chữa lại toàn bộ hệ thống cống rãnh...
Đó là giải quyết ngập cho từng khu vực. TP vẫn cần một giải pháp để giải quyết ngập một cách toàn diện và lâu dài. Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT và Bộ GT-VT đã từng đề xuất lên Chính phủ giải pháp làm đê biển Vũng Tàu - Gò Công nhằm tạo một hồ chứa khổng lồ ở cửa sông Sài Gòn - Soài Rạp. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?
Tôi tán thành giải pháp làm đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Những lợi ích lớn của việc xây đê biển này và tính khả thi của dự án thì như GS.TS Đào Xuân Học đã nói, tôi xin không nhắc lại. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ càng những tác động của công trình tới hệ thống sông ở TP.HCM, tới kinh tế, môi trường, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ…
Đến nay, đã có 6 nghiên cứu khoa học liên quan đến giải pháp xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công, gồm: Đánh giá về khả năng giảm ngập cho TP.HCM khi đê biển hình thành; đánh giá về việc đê biển sẽ làm thay đổi chế độ động lực, xói lở, bồi lắng ở cửa sông như thế nào, có gây ô nhiễm cho bờ biển Vũng Tàu hay không; nghiên cứu về nguồn vốn cần có để xây dựng tuyến đê biển và cầu vượt biển nối điểm cuối của tuyến đê với TP Vũng Tàu; nghiên cứu khả năng tác động tới hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ khi đắp đê biển; nghiên cứu về ảnh hưởng của đê biển đối với giao thông thủy; đánh giá cơ hội phát triển của cả khu vực khi có tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công.
Các nghiên cứu nói trên đã đánh giá được nhiều tác động tích cực của đê biển Vũng Tàu - Gò Công như khả năng chống ngập cho TP.HCM; hình thành tuyến giao thông quan trọng từ các tỉnh ĐBSCL đi qua Gò Công sang Vũng Tàu rồi đi ra Bắc, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương ven biển, vừa giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 1. Đồng thời cũng đã đề cập tới những tác động về môi trường, sinh thái… Tuy nhiên, đây mới là những nghiên cứu ban đầu. Cần có những nghiên cứu sâu hơn nữa để đánh giá được một cách toàn diện, đầy đủ những tác động tích cực và ảnh hưởng tiêu cực của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Nếu khẳng định được việc xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công là cần thiết, không thể không làm nhằm chống ngập toàn diện và lâu dài cho TP.HCM, thì cần phải bắt tay thực hiện ngay dự án này. Nếu chậm trễ và cứ loay hoay với những giải pháp chống ngập hiện tại sẽ làm chậm cơ hội phát triển của TP và cả khu vực.
Xin cảm ơn ông!