| Hotline: 0983.970.780

'Tôi vui vì người dân được tiếp cận công nghệ của Viện Nghiên cứu Hải sản'

Thứ Bảy 16/12/2023 , 08:55 (GMT+7)

Chiều 15/12, tại Nam Định, Viện Nghiên cứu Hải sản tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cho người dân.

3 nhà khoa học thuộc Trung tâm phát triển nghề cá Vịnh Bắc bộ (Viện Nghiên cứu Hải sản) trực tiếp tập huấn cho người dân tỉnh Nam Định. Ảnh: Đinh Mười.

3 nhà khoa học thuộc Trung tâm phát triển nghề cá Vịnh Bắc bộ (Viện Nghiên cứu Hải sản) trực tiếp tập huấn cho người dân tỉnh Nam Định. Ảnh: Đinh Mười.

Dự tập huấn có đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định, cán bộ phòng nông nghiệp cấp huyện, lãnh đạo một số xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn và các hộ dân có hoạt động nuôi trồng thủy sản quy mô lớn trên địa bàn.

Từ nhu cầu thực tế đã khảo sát, tại buổi tập huấn, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản đã tập huấn, giới thiệu với người dân tỉnh Nam Định các nội dung, quy trình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Các nội dung bao gồm: Quy trình nuôi rạm thương phẩm bằng giống nhân tạo; quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng vụ đông đạt năng suất cao trong nhà bạt; quy trình nuôi thương phẩm cá bống bớp toàn đực trong ao đầm nước lợ và hướng dẫn một số nội dung về con giống, thức ăn cho thủy sản nuôi.

Các nhà khoa học đã hướng dẫn người dân các khâu rất cụ thể quy trình, các bước để nuôi 3 loài thủy sản nói trên như: nguồn nước, chuẩn bị ao nuôi, cải tạo ao nuôi, chọn và thả giống, quản lý môi trường ao nuôi, thức ăn và cách cho ăn, cách theo dõi sự sinh trường, các loại bệnh, cách phòng trừ bệnh và kinh nghiệm thu hoạch.

Cụ thể, với quy trình nuôi rạm thương phẩm bằng giống nhân tạo, Thạc sĩ Lại Duy Phương - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nghề cá Vịnh Bắc bộ (Viện Nghiên cứu Hải sản) thực hiện. Quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng vụ đông trong nhà bạt, để giúp người dân có thể đạt năng suất cao, Tiến sĩ Đặng Minh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nghề cá Vịnh Bắc bộ thực hiện. Quy trình nuôi thương phẩm cá bống bớp toàn đực trong ao đầm nước lợ do Thạc sĩ Đỗ Mạnh Dũng - Nghiên cứu viên Trung tâm phát triển nghề cá Vịnh Bắc bộ hướng dẫn.

Qúa trình hướng dẫn, những nội dung này được các nhà khoa học được trình chiếu trên slide, có hình ảnh minh họa, dễ hiểu. Với những thắc mắc, người dân hỏi và được giải đáp, giải thích, hướng dẫn luôn tại chỗ.

Do đó, khi hoàn thành xong buổi tập huấn, người dân tỏ ra rất hào hứng, phấn khởi, nhiều người xin số điện thoại các nhà khoa học để giữ liên lạc, có người mạnh dạn đề xuất có thêm các lớp tập huấn tương tự trong thời gian tới, giúp người dân nắm bắt thêm kiến thức để ứng dụng vào thực tế.

Ông Ngô Văn Tuyên, hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định chia sẻ, địa phương có diện tích nuôi thủy sản rất lớn, nhưng thời gian qua do kỹ thuật còn kém, nguồn giống chưa đảm bảo, cách phòng chữa bệnh cho thủy sản chưa đảm bảo nên năng suất thường thấp, không ổn định. Được các nhà khoa học tư vấn về kỹ thuật, thuốc, xử lý nước cho đến thức ăn trong quá trình nuôi thủy sản,… các hộ nuôi trồng thủy sản đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế.

“Dân làng chúng tôi đang chuyển dần sang nuôi tôm ao bạt do nuôi quảng canh không còn hiệu quả. Tuy vậy, do kỹ thuật còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Tôi hy vọng Viện Nghiên cứu Hải sản sẽ có nhiều buổi tập huấn như hôm nay để hỗ trợ người dân chúng tôi”, ông Tuyên bày tỏ mong muốn.

Nuôi tôm mùa đông đang phát triển ở Nam Định. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi tôm mùa đông đang phát triển ở Nam Định. Ảnh: Đinh Mười.

Chăm chú dự tập huấn từ đầu đến cuối, ông Mai Anh Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định chia sẻ: Định hướng của tỉnh Nam Định, thời gian tới chúng tôi sẽ đa dạng hóa các đối tượng nuôi và muốn thực hiện được điều này thì công nghệ là yếu tố rất quan trọng. Tại buổi tập huấn, người dân được tiếp cận các hạng mục công nghệ mà Viện Nghiên cứu Hải sản đang có, điều này rất hữu ích và cần thiết.

“Tôi rất vui khi người dân được tiếp cận các hạng mục công nghệ mà Viện Nghiên cứu Hải sản đang có. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân Nam Định nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Tôi rất mong muốn Viện Nghiên cứu Hải sản tiếp tục có những công trình nghiên cứu để hỗ trợ cho tỉnh Nam Định được tiếp cận và áp dụng cho người dân”, ông Nhân chia sẻ thêm.

Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản bền vững, với diện tích đất nuôi trồng hơn 17.000ha, có 72km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Các đối tượng nuôi đa dạng, nhiều loại có giá trị kinh tế cao, trở thành sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, ngao và cá biển.

Những năm gần đây, phương thức nuôi đã được chuyển dần từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Việc ứng dụng khoa học cộng nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp cho người dân cải thiện được hiệu quả kinh tế.

Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, hiện nay nuôi trồng thuỷ sản của địa phương này đang phải đối mặt với một số vấn đề thách thức và khó khăn như: quản lý quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nguồn giống thủy sản, ô nhiễm môi trường,… đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả kinh tế các mô hình mà Viện Nghiên cứu Hải sản giới thiệu với người dân tại buổi tập huấn:

Nuôi rạm: Khối lượng đạt cỡ 18g/con (40-60con/kg), tỷ lệ sống 65-70%, năng suất đạt 2,5-30 tấn/ha/vụ. Nuôi tôm thẻ chân trắng: khối lượng tôm đạt cỡ 20g/con (50con/kg), tỷ lệ sống 75-85%, năng suất đạt 30 tấn/ha/vụ. Nuôi cá bống bớp: Khối lượng đạt 110-130g/con (8-9con/kg), tỷ lệ sống >65%, năng suất đạt 8,3 tấn/ha/vụ.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.