| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ phát huy hiệu quả

Thứ Tư 13/12/2023 , 09:15 (GMT+7)

Sau khi nghiên cứu hoàn thiện, Viện Nghiên cứu Hải sản đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ cho người dân để phát triển kinh tế.

Trung tâm sản xuất giống bào ngư Bạch Long Vĩ. Ảnh: Đinh Mười.

Trung tâm sản xuất giống bào ngư Bạch Long Vĩ. Ảnh: Đinh Mười.

Những năm qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực sản xuất giống và nuôi biển, khi chuyển giao cho người dân ven biển đã phát huy hiệu quả về kinh tế.

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, đã lưu giữ thành công 8 loài hải sản và xây dựng được hồ sơ chi tiết về 8 nguồn gen lưu giữ và bảo tồn. Bước đầu thăm dò được khả năng sinh sản thành công của 3 nguồn gen là ngao ô vuông, cá nác và ngán.

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Hải sản cũng đã hoàn thiện và làm chủ được quy trình công nghệ và xây dựng thành công mô hình sản xuất giống bào ngư chín lỗ tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, hoàn thành quy trình công nghệ sản xuất giống của nhiều đối tượng nước lợ mới như cá nác, cá bống tro, công nghệ chuyển giới giống cá bống bớp toàn đực, tạo điều kiện cho việc chủ động nguồn giống nhân tạo cho nghề nuôi.

Với mô hình sản xuất giống bào ngư chín lỗ tại huyện đảo Cô Tô, quá trình triển khai, tỷ lệ sống ổn định trên 7%, với quy mô đạt trên 800.000 con  trong 1 năm, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại đây để phục vụ sản xuất giống cung cấp cho các hộ dân.

Nghiến quy trình sản xuất giống bào ngư 9 lỗ. Ảnh: VNCHS.

Nghiến quy trình sản xuất giống bào ngư 9 lỗ. Ảnh: VNCHS.

Sau khi quá trình nghiên cứu hoàn thiện, Viện Nghiên cứu Hải sản đã đào tạo, chuyển giao được công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ cho người dân làm nghề nuôi trồng hải sản trong phạm vị tỉnh Quảng Ninh và một số vùng lân cận.

Kết quả này đã góp phần thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn sản xuất và phát triển kinh tế ngành thủy sản vùng biển đảo. Tạo sinh kế cho cộng đồng người dân vùng biển đảo, góp phần ổn định dân sinh, tăng cường an ninh quốc phòng vùng biển đảo Cô Tô.

“Nuôi bào ngư theo mô hình mà Viện Nghiên cứu Hải sản đã chuyển giao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc nuôi cũng đòi hỏi cao về kĩ thuật, phải quản lý được nguồn nước, quản lý được chế độ thức ăn. Vấn đề này đã được hướng dẫn, chỉ cần làm đúng theo quy trình là được”, bà Nguyễn Thị Dung, một hộ dân được chuyển giao công nghệ nuôi bào ngư ở xã Thanh Lân, huyện Cô Tô chia sẻ.

Theo Thạc sĩ Lại Duy Phương (Viện Nghiên cứu Hải sản), bào ngư 9 lỗ là một loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Loài này có thịt ngon, ngọt, bổ dưỡng, có giá trị dinh dưỡng cao, được ưa chuộng trong ẩm thực của nhiều nước trên thế giới. Do đó, rất có tiềm năng phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản.

Chuyển giao quy trình sản xuất thương phẩm cho ngư dân ở Cô Tô. Ảnh: VNCHS.

Chuyển giao quy trình sản xuất thương phẩm cho ngư dân ở Cô Tô. Ảnh: VNCHS.

Để hoàn thiện công nghệ và thực hiện mục tiêu nhân rộng mô hình, phát triển đối tượng nuôi mới bào ngư 9 lỗ ở vùng biển ven đảo thuộc vịnh Bắc Bộ, từ năm 2012 đến nay Bộ NN-PTNT đã giao Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai thực hiện dự án hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cho người dân.

Sau khi các dự án được phê duyệt, Viện Nghiên cứu Hải sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan góp vốn xây dựng hoàn thiện 2 trang trại sản xuất giống bào ngư tại đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cô Tô. Đây là 2 mô hình được thiết kế, xây dựng đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật phục vụ chuyên sản xuất giống loài bào ngư này.

Các dự án sau đó đã nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ được công nghệ sản xuất con giống và nghiên cứu công nghệ nuôi thương phẩm loài bào ngư 9 lỗ trên bể xi măng, nuôi trên bãi tự nhiên và nuôi lồng bè trên biển trong thời gian nuôi 24 tháng để chuyển giao cho người dân.

Công nghệ các nhà khoa học tạo ra đã đạt ngang tầm kỹ thuật trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan. Qua đó, giúp ngành Thủy sản nước ta làm chủ được công nghệ và đã chuyển giao đến các doanh nghiệp, hộ cá thể để mở rộng quy mô sản xuất. Quá trình nuôi, người dân đã kiểm chứng được hiệu quả nên việc chuyển giao rất thuận lợi.

“Huyện đảo Cô Tô và Bạch Long Vỹ là nơi có điều kiện môi trường sống rất phù hợp với loài hải sản này. Chúng tôi có chuyển giao một số mô hình, nuôi lồng trong bể xi măng và nuôi thả đáy trên bãi đá dưới biển,… tất cả đều cho hiệu quả kinh tế so với một số đối tượng thủy sản khác”, Thạc sĩ Lại Duy Phương chia sẻ thêm.

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, nâng cao giá trị thủy sản

Đây là mục tiêu mà ngành thủy sản tiếp tục đặt ra trong năm 2025 - năm cuối tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất