Thông cáo phát đi từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) cho biết, sáng nay, 21/1/2019, cơ quan này tổ chức phiên họp thứ 15 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp 15 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN |
60 cán bộ cấp cao bị kỷ luật liên quan tới tham nhũng
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khái quát, nhìn từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nhất là trong năm 2018, có thể vui mừng nhận thấy công tác PCTN được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Công tác xây dựng thể chế có bước tiến mới quan trọng, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành quy định về chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa; quy định về trách nhiệm nêu gương; về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…
Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm; có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; khẳng định quyết tâm chống tham nhũng ““không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
UB Kiểm tra Trung ương tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, kỷ luật từ trên xuống dưới, kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm.
Trong năm 2018, UB Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Trong đó, các cơ quan cao nhất của Đảng thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý. Nếu tính từ đầu nhiệm kỳ, con số cán bộ cấp cao bị kỷ luật đã tới 60 người.
Các ngành thanh tra, kiểm toán, qua một nửa nhiệm kỳ đã kiến nghị xử lý 319.000 tỷ đồng, hơn 7.200ha đất, hơn 5.900 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 311 vụ với 481 đối tượng. Tổng Bí thư điểm lại các vụ việc nổi cộm như vụ AVG, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ; các dự án đầu tư lớn thua lỗ, kéo dài…
Nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo TƯ về PCTN theo dõi, chỉ đạo đã về đích, có 5 người phạm tội bị phạt tù chung thân, 9 người nhận án từ 20 – 30 năm tù, trong đó đặc biệt là 10 đại án được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu mở rộng điều tra, khởi tố mới 28 vụ án khác.
Chống tham nhũng thành xu thế, phong trào
Tổng Bí thư: "Công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế, phong trào; tham nhũng được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi, để lại dấu ấn tốt đẹp, củng cố thêm niềm tin". |
Tổng Bí thư cũng nhận định, nhiều khâu yếu, khâu khó, vướng mắc trước nay đã được khắc phục như việc cho hưởng án treo; giám định tài sản; nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản (Năm 2018 đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi trên 33 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 30%). Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” bước đầu được khắc phục; nhiều địa phương, bộ ngành đã tích cực phát hiện, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.
“Công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế, phong trào; tham nhũng được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi, để lại dấu ấn tốt đẹp, củng cố thêm niềm tin, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo khí thế mới, niềm tin mới và cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Năm 2019 và những năm tới, Tổng Bí thư cho rằng, cuộc đấu tranh PCTN còn nhiều khó khăn, phức tạp; nhân dân đòi hỏi công tác này phải tiếp tục quyết liệt, duy trì được được phong trào, xu thế như hiện nay.
Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu quyết tâm cao hơn, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế xã hội để hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ “không thể tham nhũng”. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả quy định về trách nhiệm nêu gươn, quy định của luật PCTN sửa đổi, luật Tố cáo sửa đổi…
Các cơ quan cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những lĩnh vực còn chậm, còn khó khăn, vướng mắc. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được khởi tố, điều tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới.
Trong năm 2019, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, truy tố 22 vụ án, xét xử sơ thẩm 27 vụ án, xét xử phúc thẩm 10 vụ án và kết thúc xử lý đối với 43 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Ban chỉ đạo cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; việc điều chỉnh phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo; quyết định bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 8 vụ án, 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.