Chiều 10/3, trả lời câu hỏi của Báo Nông nghiệp Việt Nam về những cam kết mà USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) có thể đưa ra để giúp ngành nông nghiệp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bà Samantha Power cho biết, một trong số đó là giúp những người nông dân Việt Nam dự báo các hình thái thời tiết để họ lên kế hoạch sản xuất phù hợp hơn.
Theo bà, hiện nay USAID đang có những dự án trị giá hàng chục triệu USD, hỗ trợ người nông dân Việt Nam có thể tiếp cận các công cụ tiên tiến.
“Hàng trăm năm qua, người nông dân Việt Nam đã biết tính mùa vụ dựa vào kinh nghiệm với thời tiết. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết ngày càng khó dự đoán. Do đó, chúng ta càng có kế hoạch sớm bao nhiêu thì có thể quản lý tốt bấy nhiêu, giảm thiểu được hậu quả của biến đổi khí hậu”, bà Samantha Power nói.
Cụ thể, USAID đang phối hợp với NASA để có thể cung cấp các hình ảnh dữ liệu từ vệ tinh để dự báo thời tiết. Bên cạnh đó, USAID cũng hỗ trợ những thành tựu về khoa học như cung cấp những giống cây có khả năng chịu hạn cho nông dân ở các vùng gặp khó khăn về nguồn nước do biến đổi khí hậu.
“Quan điểm của chúng tôi là cùng làm việc với cộng đồng để xác định xem họ mong muốn gì, cần có những sự chuyển nào để đem lại những lợi ích tốt nhất cho họ. Từ đó, chúng tôi sẽ xây dựng các chương trình hướng tới mục tiêu đó”, Tổng Giám đốc USAID trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Bà Samantha Power lấy ví dụ, ở ĐBSCL, nơi bà vừa đến thăm cách đây vài ngày, người dân không phải chỉ đối mặt với nguy cơ nước biển dâng mà các số liệu khoa học cho thấy nền đất của khu vực này đang có xu hướng lún xuống, gây ra nhiều vấn đề khác nhau, chưa kể hiện tượng xói mòn cũng diễn ra thường xuyên.
Trong bối cảnh đó, bà Samantha Power bày tỏ sự ủng hộ của việc đa dạng hóa sinh kế của người nông dân ở ĐBSCL. Theo bà, những người nuôi cá nước ngọt đang phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn nhưng họ cũng đã nhanh chóng chuyển đổi, mở rộng hình thức du lịch sinh thái để cải thiện thu nhập.
Một trong những hỗ trợ quan trọng nữa của USAID mà bà Samantha Power nêu ra đó là hợp tác tron giáo dục. Ví dụ, Đại học Fulbright (đối tác lớn của USAID) đang hợp tác với Đại học Cần Thơ trong đào tạo, qua đó giúp thế hệ trẻ có thể tiếp cận được những thành tựu mới, giúp họ có thể phát huy sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc USAID cũng lưu ý, việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự vào cuộc của nhiều bên, nhiều quốc gia chứ không chỉ USAID hay Việt Nam.
Trước đó, phát biểu với báo giới, bà Samantha nói: “Tất cả các bạn đều biết rằng năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện. Chúng tôi tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ còn có thể có quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn nữa. Chuyến thăm của tôi cùng với chuyến thăm của các quan chức cấp cao khác trong cả năm nay sẽ tiếp tục minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nước”.
Bà cũng tiếp tục khẳng định, USAID sẽ tập trung giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh bao gồm tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, nâng cao năng lực giám định ADN cho các nhà khoa học Việt Nam để tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt quân nhân Việt Nam.
Ngoài ra, USAID cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các dịch vụ y tế và xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng y tế, ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, đại diện USAID cho biết, sẽ cố gắng thông qua các tổ chức khác hỗ trợ người dân Việt Nam về vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và các vấn đề kinh tế khác.
Cũng trong buổi gặp mặt báo chí, bà Samantha Power hy vọng, USAID sẽ không tập trung hỗ trợ Việt Nam ở một lĩnh vực, mà có thể lồng ghép để hỗ trợ nhiều ngành và lĩnh vực khác như xúc tiến thương mại, tạo công ăn việc làm cho những người lao động tự do…
Cuối cùng, bà cho biết trong 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ có 7 quốc gia từng nhận viện trợ của USAID. Chính vì vậy, bà tin tưởng trong tương lai Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có thể chuyển từ mối quan hệ viện trợ thành mối quan hệ đối tác thương mại.