Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Y tế TP.HCM trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngoài việc nâng cao năng lực cấp cứu tại các cơ sở y tế, cần tăng cường các hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự tại khoa Cấp cứu của các bệnh viện. Cũng như thiết lập quy trình phản ứng nhanh giữa nhân viên của khoa Cấp cứu, đội bảo vệ của bệnh viện và công an địa phương khi có trường hợp gây mất an ninh trật tự tại khoa Cấp cứu. Khuyến khích xây dựng và triển khai quy trình báo động khẩn cấp về an ninh trật tự (code grey) tại khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng của bệnh viện.
Các y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cấp cứu người bệnh |
Cần xây dựng và triển khai hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện trong cấp cứu người bệnh nguy kịch. Thành lập đội cấp cứu nội viện (code blue) và hệ thống phản ứng nhanh của bệnh viện (Rapid Response System - RSS) trong hỗ trợ cấp cứu người bệnh đột ngột ngưng tim ngưng thở hoặc đột ngột diễn biến xấu tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện.
Khuyến khích các bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh 115 thuộc mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của TP, khuyến khích các trạm cấp cứu vệ tinh triển khai thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh. Hình thành mạng lưới các bệnh viện điều trị đột quỵ và can thiệp tim mạch trên địa bàn thành phố, khuyến khích các bệnh viện tuyến cuối của TP, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ và năng lực chuyên khoa của bệnh viện, đầu tư nguồn lực triển khai các khoa hoặc đơn vị đột quỵ và can thiệp tim mạch…
"Nhiều trường hợp người bệnh nguy kịch được cứu sống nhờ các kỹ thuật can thiệp chuyên sâu, nhất là nhờ sự phối hợp kịp thời và nhịp nhàng của các bệnh viện qua quy trình báo động đỏ, mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh của thành phố được mở rộng và kịp thời cấp cứu người dân tại hiện trường”, BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết.