An toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn
Sáng 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo công bố các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Chủ trì buổi họp báo là ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban tuyên giáo thành ủy TP.HCM; ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, trong thời gian qua thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, tích cực các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Trong đó, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vacxin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2; một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hòa Bình, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.
Mặt khác, tỷ lệ tiêm vacxin tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vacxin mũi 2 của TP.HCM chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế phải được cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.
“Đây là một việc chúng ta phải từng bước đánh giá để điều chỉnh các hoạt động. TP.HCM phải gắn với hoạt động của kinh tế vùng và cả nước”, ông Lê Hòa Bình nói.
Nhằm phát huy thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội phù hợp với giai đoạn hiện nay và tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 86, phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố nghiêm chỉnh thực hiện việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Từ 18h ngày 30/9, TP.HCM sẽ tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Việc nới lỏng sẽ được triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".
Tinh thần không phải từ 30/9, tất cả hoạt động trên địa bàn mở lại ồ ạt mà chúng ta mở lại từng bước có lộ trình. Quan điểm của thành phố là an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
3 mục tiêu của Chỉ thị mới
Chỉ thị mới của TP.HCM đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất là tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố.
Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
"Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không đứt chuỗi hoạt động, đưa sinh hoạt của người dân từng bước sang bình thường mới", ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, Ban Thường vụ Thành ủy đã quán triệt đến các quận huyện, TP Thủ Đức về khu vực nào trong danh mục được cho phép hoạt động, mở cửa đến đâu thì phải đảm bảo an toàn cho người dân đến đó.
"Người dân không được ra đường số lượng lớn ngay một lúc mà phải tính toán", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình nhận định, suốt thời gian qua, TP.HCM nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh. Song song với đó, ý thức của người dân đã được nâng lên rất cao.
"Nếu không ý thức được công tác phòng, chống dịch và để dịch bệnh trở nặng sẽ rất khó khăn để trở lại", Phó chủ tịch TP.HCM khuyến cáo. Theo ông, lộ trình mở cửa là ưu tiên phát triển kinh tế để người dân góp phần xây dựng thành phố.
Ông Lê Hòa Bình cho biết, TP.HCM ưu tiên tiêm đủ liều vacxin phòng Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Triển khai tiêm vacxin cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vacxin phù hợp;
Thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp;
Xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học,… Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế;
Tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp và quyết định những biện pháp theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Về công tác xét nghiệm, ông Bình cho biết, đảm bảo 100% các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Đảm bảo 100% các Trạm Y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy Tổ phản ứng nhanh COVID tại địa phương trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn. Có phương án thiết lập Trạm Y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh). Đặc biệt, huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.
Công tác điều trị, phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa Nhiễm và bệnh viện đa khoa.
Về an sinh xã hội, TP.HCM sẽ triển khai gói hỗ trợ đợt 3; có chính sách hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi do dịch Covid-19; hỗ trợ gạo, huy động mọi người lực giúp đỡ người khó khăn. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ đợt 2.
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức được yêu cầu đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và xem xét, điều chỉnh mức độ giãn cách, mở rộng hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp tại từng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.
"Gần 100% công nhân ở khu chế xuất khu công nghiệp được ưu tiên và đến nay gần như đã được đảm bảo 2 mũi", ông Bình cho biết.
Người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác
Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị Covid-19. Có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.
Ngoài việc luôn thực hiện 5K, đề cao cảnh giác, người dân TP.HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vacxin. Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vacxin và sau 14 ngày.
"Sau ngày 30/9 sẽ không phải cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân. Đây là nội dung gây khó khăn cho nhiều hoạt động nhưng phải thực hiện trong giai đoạn cần kiểm soát dịch bệnh", ông Bình nói.
Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở...) hoặc cần cấp cứu, liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.
Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
TP.HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.
"Người đi xe cá nhân sẽ không được đi qua các chốt liên tỉnh. Thành phố sẽ mở rộng việc tham gia giao thông của người dân để tiếp cận các điều kiện tốt hơn. TP.HCM sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại TP.HCM nhưng thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân về TP.HCM bằng phương tiện chung.
Tất cả khu công nghiệp và khu chế xuất đang rất thiếu công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Khi làm chỉ thị này, lãnh đạo TP đã trực tiếp gặp các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến. Các ý kiến này đều mong muốn công nhân quay lại sản xuất, được ưu tiên 2 mũi vacxin để không trở nặng khi bị nhiễm", ông Bình nhấn mạnh.
TP.HCM đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP.HCM. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.
TP.HCM yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
Thành phố sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 thành phố triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải...