| Hotline: 0983.970.780

Chặn Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện

Chủ Nhật 09/05/2021 , 10:40 (GMT+7)

Trước việc nhiều bệnh viện bị phong tỏa do Covid-19 những ngày qua, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện khẩn cấp thực hiện 'bốn tại chỗ'.

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tổ chức sàng lọc, khai báo y tế ngay lối vào cổng bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tổ chức sàng lọc, khai báo y tế ngay lối vào cổng bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương ở nhiều tỉnh, thành những ngày qua đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế. Bộ Y tế ngày 7/5 ban hành công điện nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm Covid-19 tại các bệnh viện.

Là một trong những địa phương có lượng bệnh nhân từ các tỉnh thành đổ về điều trị khá lớn, Sở Y tế TP.HCM đã ra công văn khẩn tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình cấp bách.

“Thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt chú trọng phương án mở rộng cơ sở điều trị tại chỗ, huy động nguồn lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu... để đáp ứng tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng yêu cầu.

Ngày 7/5, Cục trưởng Cục Khám, Chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện coi bệnh nhân đều là F0 để áp dụng các biện pháp phòng chống Covid-19. Ông Khuê nói rằng: "Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ". Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh.

Ông Tăng Chí Thượng đặc biệt lưu ý, các cơ sở y tế thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19: “Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động những cơ sở không đạt tiêu chuẩn, xem xét xử lý kỷ luật cơ sở không chấp hành quy định”.

Việc sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng, cửa tiếp đón cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết được ngành y tế TP.HCM đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

“Thói quen của chúng ta trước nay thường thăm hỏi khi có người thân bạn bè nằm viện. Tuy nhiên, thói quen này cần thay đổi. Trong bối cảnh hiện nay, các bệnh viện phải hạn chế tối đa người nhà, người thân đến thăm bệnh; hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần rà soát bố trí khoa, phòng, quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép, khoảng cách ít nhất 2m giữa các giường bệnh; bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng.

Ngành y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Định kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly; cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người chịu ảnh hưởng nặng khi mắc Covid-19, như người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...

Phải xem khai báo điện tử là công cụ đầu tiên để sàng lọc khi người bệnh đến bệnh viện", ông Thượng nhấn mạnh.

Hiện tại, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cũng được yêu cầu trang bị máy quét để thuận lợi trong thao tác "check in", hạn chế việc nhân viên bệnh viện khai báo thay cho người bệnh. Thay vào đó, khuyến khích bệnh viện trang bị các phương tiện thuận lợi cho người bệnh tự khai báo trong trường hợp người bệnh không có điện thoại để quét mã QR khai báo.

Để hạn chế thấp nhất trường hợp người bệnh có nguy cơ nhưng khai báo y tế không trung thực, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng, các bệnh viện cần có các quy định như bác sĩ, điều dưỡng phải hỏi kỹ lại yếu tố dịch tễ khi tiếp nhận người bệnh lúc nhập vào khoa.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện, phải thông báo, thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.

Đối với các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Thượng lưu ý khi cho bệnh nhân xuất viện phải thông báo Sở Y tế các tỉnh, thành phố nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định.

"Không để bệnh viện trở thành nơi lây lan Covid-19 là trách nhiệm của người đứng đầu và của mỗi cán bộ, nhân viên", theo ông Thượng.

Người dân được khuyến cáo, nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Đồng thời, triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.

Bệnh viện không chỉ đối phó với dịch bệnh Covid-19 mà cần đảm bảo công tác khám chữa bệnh hằng ngày cho bệnh nhân nên phải tuyệt đối bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng.

Hiện cả nước ghi nhận 9 bệnh viện đang cách ly y tế do có ca Covid-19 hoặc yếu tố dịch tễ liên quan ca Covid-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội), Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội), Bệnh viện K (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, Bệnh viện da liễu Trung ương Quỳnh Lập (thị xã Hồng Mai, tỉnh Nghệ An), Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP Đà Nẵng), Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.