Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP.HCM khóa X chiều 7/4 đã thông qua Nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên, các chính sách đặc thù giúp củng cố trạm y tế được thông qua tại TP.HCM. Nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2025, bằng nguồn ngân sách Thành phố.
Dự kiến hàng năm có 300 bác sĩ và 100 điều dưỡng, hộ sinh tham gia thí điểm thực hành tại Bệnh viện đa khoa gắn với trạm t tế. Các bác sĩ được hỗ trợ 60 triệu đồng/trong 18 tháng; điều dưỡng, hộ sinh được hỗ trợ 30 triệu đồng/9 tháng. Dự toán kinh phí hàng năm là 16 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhu cầu huy động người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế của các trạm y tế là 890 người gồm 280 người lao động cao tuổi có chuyên môn bác sĩ và 610 người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ. Dự toán kinh phí hàng năm là 81,48 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ tham gia công tác tại trạm y tế làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng với kinh phí hỗ trợ hợp đồng là 9 triệu đồng/người/tháng.
Đối với người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ: hợp đồng với mức lương là 7 triệu đồng/người/tháng.
Nhu cầu của mỗi trạm y tế là 1 nhân viên vệ sinh và 1 bảo vệ. Dự toán kinh phí hàng năm là 40,92 tỷ đồng. Như vậy, nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc hợp đồng tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị: lương và các khoản chi phí mà đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền là 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua công tác khám chữa bệnh có nhiều hạn chế làm cho người dân đổ xô lên tuyến trên khám bệnh làm cho tuyến trên quá tải, việc chăm sóc có nhiều hạn chế.
Trước thực trạng trên, ngành y tế cũng đã có giải pháp để cải thiện, quy hoạch đội ngũ cán bộ ở các trạm y tế, trung tâm y tế và thực hiện chế độ luân phiên đối với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến quận về tăng cường cho trạm y tế, tham gia vào lĩnh vực y tế cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo hoạt động nguyên lý y học gia đình. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 34 trạm y tế điểm thực hiện theo mô hình này.
"Ngành y tế đã thí điểm chương trình đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành trong 12 tháng và 6 tháng thực hành bệnh viện. Tạo điều kiện cho các bác sĩ này có cái nhìn tổng quan rộng hơn về sức khỏe người dân gắn với cộng đồng, mà vừa giải quyết bài toán trước mắt thiếu nhân sự ở các trung tâm y tế, trạm y tế.
Chương trình này bước đầu phát huy hiệu quả. Song song đó, chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ Y tế sớm trình Quốc hội sửa đổi luật khám chữa bệnh trong đó có quy định của bác sĩ mới tốt nghiệp tham gia thực hành tại các trạm y tế", ông Hưng nói