Sáng 30/5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình họp khẩn với TP.HCM về tình hình dịch Covid-19 sau khi TP.HCM có nhiều ca mắc Covid-19 liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng.
Cùng tham dự cuộc họp có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND TP và các sở, ban ngành, quận, huyện.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết hiện Thành phố có hai ổ dịch là chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng tại quận Gò Vấp và chuỗi lây nhiễm được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Cả hai chuỗi lây nhiễm này đều nhiễm biến chủng Ấn Độ. Hiện đã ghi nhận 136 ca nhiễm, riêng TP.HCM có 133 ca mắc Covid-19, 3 người là F1 (F0 liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng ở TP.HCM) đã trở thành F0 của Long An, Bạc Liêu và Tây Ninh.
Đặc biệt, từ 23h ngày 29/5 đến 6h ngày 30/5, sau khi TP.HCM xét nghiệm diện rộng thì phát hiện thêm 36 ca nhiễm mới.
"Sau khi phát hiện 3 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã phát hiện ra "ổ dịch" này. Qua điều tra, TP.HCM phát hiện người vợ của mục sư - người đứng đầu Hội thánh truyền giáo phục hưng đã đi Hà Nội 7 ngày", ông Bỉnh thông tin.
Còn chuỗi lây nhiễm được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện nay TP.HCM đã có 13 ca/1 triệu dân. "Đây là tình trạng đáng báo động. Do vậy, Sở Y tế TP.HCM đề xuất áp dụng cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các phường 3, 14, 15, 9,11 quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12.
Tại các phường có ca nghi nhiễm Covid-19 nhưng còn ít, Sở Y tế TP.HCM đề xuất cách ly, phong tỏa theo khu phố. Những vùng còn lại, Sở Y tế TP.HCM đề xuất áp dụng chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ", ông Bỉnh nói.
Lấy ví dụ, ông Bỉnh nói, nếu phát hiện một ca nghi nhiễm Covid-19 ở một chung cư trong khu vực này thì phong tỏa, cách ly luôn cả khu phố.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đề xuất cấm tụ tập 5 người nơi công cộng, thực hiện giờ giới nghiêm nghiêm ngặt. Dừng những hoạt động không cần thiết, siêu thị ngưng hoạt động trừ các hoạt động thiết yếu. Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp làm việc trực tuyến.
Đối với các tòa cao ốc, ông Bỉnh yêu cầu phải mở cửa sổ để thông thoáng. Bởi, nếu dịch bệnh lây lan từ các cao ốc sẽ phán tán đi nhiều nơi. Tại các bệnh viện, nếu phát hiện có ca nhiễm tại khu nội trú phải tiến hành phong tỏa bệnh viện.
Nếu người đến khám có biểu hiện ho, sốt cần phải có phòng khám sàng lọc riêng. Ngoài ra, ông Bỉnh yêu cầu, xe buýt công cộng chỉ vận tải 30 người. Ngành giao thông xem xét chủ trương dừng các tuyến xe buýt. Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã tạm ngưng các xe đến TP.HCM.
"Xử lý nghiêm việc không đeo khẩu trang, không nhắc nhở nữa mà xử phạt ngay. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra quản lý các quán ăn vỉa hè, bởi hiện nay ở một số nơi, quán ăn lề đường còn mở bán tại chỗ", ông Bỉnh nói.
Về chuẩn bị giường cách ly, ông Bỉnh yêu cầu, mỗi địa phương cần có ít nhất 100 giường cách ly tại các đơn vị. Đối với các quận, huyện chưa có ca nhiễm trong tình hình dịch căng thẳng cần thiết phải hỗ trợ lẫn nhau.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống Covid-19 yêu cầu cả nước "cách ly toàn xã hội" theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh". Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.