| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND TP.HCM: Nguy cơ dịch Covid-19 lan vào khu công nghiệp

Thứ Bảy 29/05/2021 , 12:51 (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, một số người thuộc Hội thánh truyền giáo phục hưng làm việc ở khu công nghiệp, nên nguy cơ dịch Covid-19 tại đây là rất cao.

Điểm cầu UBND TP.HCM sáng 29/5.

Điểm cầu UBND TP.HCM sáng 29/5.

64 ca mắc Covid-19 liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng

Đó là thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao. Bởi mức độ người dân đi lại, giao thương ở TP.HCM lớn, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh lân cận.

Đối với đợt dịch bệnh lần thứ tư, TP.HCM ghi nhận 76 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó 1 trường hợp ghi nhận ngày 29/4 liên quan đến ca nhiễm ở tỉnh Hà Nam và 75 ca ghi nhận từ ngày 18/5 đến nay với 4 chuỗi lây nhiễm. Đáng lo ngại nhất là chuỗi lây nhiễm từ ổ dịch Hội thánh truyền giáo phục hưng với tổng số ca mắc Covid-19 là 64 ở 16/22 địa phương có liên quan đến các ca bệnh gồm: Thành phố Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận 12.

Ông Phong cũng cho biết, TP.HCM hiện đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ. Đặc biệt, chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng do chủng Ấn Độ đã ghi nhận 64 ca mắc Covid-19, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt Hội thánh truyền giáo phục hưng.

Về nơi lây nhiễm, 55% bệnh nhân lây nhiễm SARS-CoV-2 từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình, và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè.

"Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

Thực tế ghi nhận bệnh nhân 6296 đã lây bệnh cho 3 người làm cùng công ty và 1 người làm khác công ty nhưng chung tòa nhà tại số 30 Đặng Văn Ngữ. Hoặc bệnh nhân 6291 đã lây bệnh cho 4 bệnh nhân khác cùng làm công ty tại Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP.HCM", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin.

Về biểu hiện bệnh, ông Phong cho biết, các chuỗi lây nhiễm đều được phát hiện qua sàng lọc bệnh nhân đến khám bệnh; ngoài ra chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn không có yếu tố dịch tễ cho thấy, có thể dịch đã lan truyền âm thầm trong TP.HCM mà không phát hiện được dù đã rất nỗ lực giám sát.

Phong tỏa công ty thiết bị CP nhà bếp VINA - khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú, TP.HCM, là nơi  người phụ nữ mắc Covid-19 (sinh hoạt nhóm Hội thánh truyền giáo phục hưng) làm việc.

Phong tỏa công ty thiết bị CP nhà bếp VINA - khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú, TP.HCM, là nơi  người phụ nữ mắc Covid-19 (sinh hoạt nhóm Hội thánh truyền giáo phục hưng) làm việc.

Chủ tịch UBND TP.HCM lo ngại nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động, có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Bởi có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.

Ông Phong dẫn chứng, TP.HCM ghi nhận hai ca mắc Covid-19 làm việc trong hai khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Tân Bình và Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra, cũng không loại trừ, có thể có một số người sinh hoạt Hội thánh truyền giáo phục hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp.

TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Các khu công nghiệp đông công nhân được xem là nơi nguy cơ lây nhiễm dịch cao nhất, chỉ sau bệnh viện. 

Kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính

Về giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính. Giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất tại Bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp và xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

Quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung và định kỳ giám sát các đối tượng cách ly tại nhà. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành phố nếu người cách ly tại nhà nhưng ra khỏi nhà.

Đồng thời, tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên, để mọi người hiểu rằng phòng chống là cần thiết cho chính bản thân họ, gia đình họ, những người xung quanh và cho cả cộng đồng.

Các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm để qua đó phát hiện sớm ca bệnh. Trong vận hành sản xuất mỗi doanh nghiệp chủ động điều chỉnh để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra, phối hợp y tế địa phương xử lý

"Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ Covid-19 cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú", ông Phong nhấn mạnh.

Toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu điều tra, truy vết, xử lý dập dịch, phát huy năng lực xét nghiệm 35.000 - 40.000 mẫu đơn/24 giờ và sẵn sàng phương án tổ chức điều trị 5.000 người bệnh; tăng cường các biện pháp phòng thủ, đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch trong cơ sở y tế.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng gồm 9 khu của quân đội và 1 khu của Ký túc xá Đại học Quốc gia với công suất 19.520 giường, cùng với các khu cách ly hiện hữu khi đó TP.HCM có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.

Tổ chức tốt công tác tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên và đảm bảo tiến độ, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công tác tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM tìm nguồn cung vacxin phòng Covid-19 (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua vacxin cho nhóm đối tượng trong diện tiêm từ kinh phí do TP.HCM bố trí.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất