| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Định hướng phát triển kinh tế hướng ra biển

Thứ Ba 30/03/2021 , 16:28 (GMT+7)

Ngày 30/3, Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo 'TP.HCM – Tầm nhìn Kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế' tại Trung tâm Hội nghị Landmark 81.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 2000. Sau hơn 30 năm khôi phục và bảo vệ, chính quyền và người dân nơi đây đã biến rừng Cần Giờ trở thành khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Ảnh: Luynh Biển.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 2000. Sau hơn 30 năm khôi phục và bảo vệ, chính quyền và người dân nơi đây đã biến rừng Cần Giờ trở thành khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Ảnh: Luynh Biển.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, trong thế kỷ 21, kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia.

Hiện nay TP.HCM và vùng Thành phố cần định vị lại vị thế cạnh tranh, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao dựa trên điều kiện, tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng và của Thành phố.

“Các định hướng chiến lược để TP.HCM có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố. Do đó, TP.HCM xác định việc chuyển hóa không gian kinh tế biển vùng Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả, bền vững, tiềm năng và động lực phát triển liên kết vùng. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế mỗi địa phương và kết nối, lan tỏa các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, từng bước liên kết khu vực và quốc tế”, ông Võ Văn Hoan cho biết.

Ông Hoan kỳ vọng TP.HCM và Vùng thành phố có bước đột phá trong hành trình vươn ra biển lớn và cùng hội nhập phát triển cùng thời đại.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, mô hình phát triển trong tương lai của TP.HCM cần đặt kết nối Vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của Thành phố, trong đó xác định biển Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP.HCM và vùng Thành phố (chuyển từ phát triển dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển).

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một thành phố lớn trong mạng lưới thành phố biển quốc tế. Cần Giờ có vị trí đặc biệt trong địa thế phát triển kinh tế biển của TP.HCM. “TP.HCM cần nghiên cứu để phát triển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái đô thị biển cộng sinh bền vững. Từ đây, TP.HCM luôn giữ được vai trò vùng kinh tế trọng tâm của quốc gia, vùng kinh tế đô thị biển quốc tế và lấy lại tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông hiện đại”’, ông Đặng Hùng Võ nhận định.

Theo PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững, để hoàn thành mục tiêu trở thành một thành phố biển mạnh mẽ và là động lực tăng trưởng vùng, TP.HCM cần xây dựng văn hóa “tiến biển” hài hòa giữa bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và phát triển mới trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, của cuộc cách mạng 4.0. Mặt khác, phát triển chuỗi đô thị “mặt tiền” biển Vịnh Cần Giờ, tạo cơ hội cho “vị thế quốc tế” của vùng Thành phố và tháo gỡ các điểm nghẽn về chất lượng lao động và tốc độ tăng trưởng. Bằng động lực của nền kinh tế tiến biển, hai cánh tay nối dài phía Đông và Tây của thành phố là công nghiệp và hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và nông nghiệp - du lịch sinh thái, chế biến nông sản sạch ở Gò Công Đông, Tiền Giang, cảng Hiệp Phước sẽ phát triển các chức năng mới, thay đổi bộ mặt xã hội của vùng, đa trung tâm trong phân bố không gian và năng động.

hội thảo 'TP.HCM – tầm nhìn Kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế' sáng 30/3 tại Trung tâm Hội nghị Landmark 81.

hội thảo “TP.HCM – tầm nhìn Kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” sáng 30/3 tại Trung tâm Hội nghị Landmark 81.

PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, hệ thống giao thông thủy và kinh tế cảng gắn với dịch vụ hệ sinh thái sau cảng của TP.HCM hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của Thành phố (61% GDP là kinh tế dịch vụ), nhưng hoàn toàn chỉ dựa vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Soài Rạp để ra biển. Là một thành phố biển nhưng đường bờ biển lại không nhiều, trong khi biển Cần Giờ lại đang bị lãng quên, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được phát lộ để khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của Thành phố.

Dự án đô thị tiến biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha đã được báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, được các chuyên gia đánh giá qua nhiều vòng họp và chủ đầu tư đã bổ sung nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường, đề xuất các biện pháp giảm thiểu.

“TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một Cực kinh tế biển lớn nhất VN, điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển Chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với Vịnh Cần Giờ. Hệ sinh thái phát triển bền vững của TP.HCM đặt trong bối cảnh Vùng kinh tế phía Nam sẽ tạo sức hút đáng kể thông qua ba yếu tố cơ bản, nếu tạo được cơ chế liên kết vùng hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Vịnh Cần Giờ là mặt tiền/cửa ngõ tiến ra biển của toàn bộ Vùng TP.HCM và là cửa ngõ trung tâm của vòng cung biển Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai – TP.HCM - Gò Công - Tiền Giang và toàn bộ Đông Nam Bộ. Ảnh: Luynh Biển.

Vịnh Cần Giờ là mặt tiền/cửa ngõ tiến ra biển của toàn bộ Vùng TP.HCM và là cửa ngõ trung tâm của vòng cung biển Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai – TP.HCM - Gò Công - Tiền Giang và toàn bộ Đông Nam Bộ. Ảnh: Luynh Biển.

Muốn vậy, cơ chế cho Liên kết vùng cần sớm được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận và đưa TP.HCM trở thành trung tâm thu hút các nguồn lực phát triển, làm động lực thúc đẩy vùng một cách mạnh mẽ, có cơ hội phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao như công - nông nghiệp sạch, tài chính, khoa học, công nghệ, văn hóa và di sản mang tầm vóc khu vực và quốc tế”, PGS.TS Lưu Thế Anh nhận định.

Tại Hội thảo, các tham luận cũng như nhiều ý kiến phát biểu đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện “Đề án TP.HCM trong thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, Thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là Thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, Thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, tầm nhìn đến năm 2045 là trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á” của Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Agribank Khánh Sơn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn

KHÁNH HÒA Từ nguồn vốn tín dụng của Agribank, nhiều hộ dân tại huyện Khánh Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...