| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM đứng trước 3 nhóm nguy cơ có thể dẫn đến bùng phát dịch

Thứ Năm 06/05/2021 , 07:22 (GMT+7)

Chiều tối 5/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp trực tuyến với các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM chiều tối 5/5. Ảnh: TTBC.

Cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM chiều tối 5/5. Ảnh: TTBC.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, 3 nhóm nguy cơ có thể dẫn đến bùng phát dịch tại thành phố là nhóm xâm nhập ổ dịch trong nước; nhóm xâm nhập do nhập cảnh trái phép và nhóm lây nhiễm cộng đồng.

Mặc dù TP.HCM cũng thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 ở các địa phương, cho thấy sự nỗ lực của các đoàn, qua đó nắm được tình hình chống dịch ở các địa phương. Tuy nhiên, Thành phố vẫn phải hết sức nêu cao cảnh giác, không được phép lơ là, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành chống dịch.

Để duy trì thành quả phòng chống dịch của TP.HCM thời gian qua, đồng thời tiếp tục phát triển kinh tế, ông Phong yêu cầu các sở ngành, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ 3 nhóm nguy cơ này. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Trung ương, Chỉ thị số 10 của Thành ủy TP tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; quán triệt tinh thần chống dịch cao nhất, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Riêng việc kiểm soát các ca xâm nhập các ổ dịch trong nước, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tất cả công chức, viên chức, người lao động phải chủ động khai báo y tế khi đến các nơi có người lây nhiễm. Các địa phương rà soát kỹ các ca nhập cảnh trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thông báo cho địa phương nếu phát hiện ca nhập cảnh trái phép. Rút giấy phép kinh doanh các trường hợp cho người nhập cảnh trái phép lưu trú.

“Tình hình hiện nay nếu chúng ta mất cảnh giác là phải trả giá rất lớn, ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng cuộc sống người dân và cả phát triển kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, như vậy mới thúc đẩy các hoạt động lâu dài. Mọi công tác chống dịch không được phép lơ là, phải thực hiện trên tinh thần chống dịch như chống giặc”, ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương luôn trong tâm thế chủ động, chuẩn bị sẵn sàng tình huống xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng để không bị động trong phòng chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng các điểm cách ly trên địa bàn để tiếp nhận các trường hợp cách ly trong cộng đồng. Mỗi quận - huyện có ít nhất 100 giường cách ly, TP Thủ Đức phải có ít nhất 300 giường cách ly. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng…

Yêu cầu tất cả công chức, viên chức, người lao động tổ chức khai báo y tế nếu đã đi đến các địa phương đang có ca nhiễm; Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cài đặt phần mềm Bluezone trước 8/5.

Ông Phong cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép để có biện pháp xử lý.

Xử lý nghiêm và có thể rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở lưu trú cho phép người nhập cảnh trái phép lưu trú. Các đối tượng tổ chức đường dây người nhập cảnh trái phép cần xem xét yếu tố hình sự để xử lý mang tính răn đe.

* Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện còn đang điều trị cho 27 bệnh nhân nhiễm Covid-19, các trường hợp này đều có sức khỏe ổn định.

Liên quan đến trường hợp một người ở quận 11 test nhanh dương tính SARS-CoV-2 khi sang Campuchia, qua rà soát TP.HCM đã đưa 7 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm này đi cách ly tập trung, có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2; 43 trường hợp F2 tự cách ly tại nhà.

Ngoài ra, có một thuyền trưởng tàu nhập cảnh khi xin phép lên bờ, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 đã được chuyển đi cách ly tập trung tại Khu cách ly tập trung Nhà Bè. Đồng thời, 17 thủy thủ đoàn được lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung, khử khuẩn tàu theo quy định.

Liên quan đến bệnh nhân 2910, TP.HCM đã xác định 40 trường hợp F1 và 71 trường hợp F2 đều có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng đã xác minh được 29 người đi cùng chuyến bay, ô tô với bệnh nhân 2988; hai trường hợp đi cùng chuyến bay VN7161; 1 trường hợp tại quận Bình Thạnh liên quan đến quán bar Sunny (Vĩnh Phúc); 8 người tham gia tiệc cưới, 2 người liên quan đến bệnh nhân 2978 tại Vĩnh Phúc. Tất cả các trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện toàn bộ hệ thống từ dự phòng đến y tế của TP.HCM đã được kích hoạt ở mức độ cao nhất.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.