| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Loại hình nào được phép hoạt động sau 0h ngày 16/9

Thứ Tư 15/09/2021 , 20:04 (GMT+7)

TP.HCM điều chỉnh một số quy định như Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ thí điểm người dân đi chợ 1 lần/tuần. Khu chế xuất, KCN sản xuất theo Bộ tiêu chí an toàn...

Cuộc họp báo diễn ra tối 15/9. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cuộc họp báo diễn ra tối 15/9. Ảnh: Nguyễn Thủy.

19h ngày 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chủ trì cuộc họp báo cung cấp thông tin về chủ trương chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM sau ngày 15/9.

Cuộc họp diễn ra sau 3 tiếng bị trì hoãn. Với sự tham dự của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê; và Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cùng lãnh đạo các Sở ban ngành TP.HCM.

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã thông tin về kế hoạch 3072 liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM từ ngày 16/9 đến ngày 30/9.

Thực hiện kế hoạch của UBND TP.HCM về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM sau ngày 15/9 nhằm tiếp tục phấn đấu kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thực hiện lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16, Kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và Chỉ thị số 11 của Chủ tịch UBND TP.HCM từ 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9 với phương châm "triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên từng địa bàn cụ thể.

TP.HCM tiếp tục cấp Giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông theo đã quy định trước đó. Giấy đi đường do Công an TP.HCM đã cấp tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/9.

Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, ông Lê Hòa Bình cho biết, TP.HCM tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 2798 và Công văn số 2994. Như vậy, TP.HCM hiện chỉ mở lại các trạm tập kết trung chuyển tại các chợ đầu mối và tiếp tục thực hiện phương án "đi chợ thay".

Các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện này và Khu Công nghệ cao được thực hiện thí điểm triển khai thực hiện cho phép người dân đi chợ 1 lần/1 tuần theo Kế hoạch được UBND TP.HCM chấp thuận. Đồng thời, bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo Kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND TP.HCM ban hành.

Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các phương án sản xuất theo Kế hoạch số 2715 và Bộ Tiêu chí an toàn do UBND TP.HCM ban hành.

Thí điểm triển khai việc thực hiện "Thẻ Xanh COVID" gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.

Từ 16/9 đến 30/9, TP.HCM điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động:

Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hoá có ứng dụng công nghệ (shipper): cho phép hoạt động liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần; ngân sách Thành phố chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30/9.

Cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh được phép hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày, gồm dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; Dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến; Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; Dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; Sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này phải đăng ký với UBND quận, huyện, TP, phường, xã, thị trấn để được cấp giấy đi đường. Như nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được phép hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vacxin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm với tần suất 05 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Theo ông Lê Hòa Bình, từ 16/9, các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công công trình trên cơ sở tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn được UBND TP.HCM ban hành.

Sở, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức tùy theo tình hình an toàn phòng chống dịch tại địa bàn, đề xuất danh mục các công trình cụ thể; giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

Đối với các sinh hoạt thể dục thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các “vùng xanh”, ông Lê Hòa Bình cho biết, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn xem xét quyết định, cho phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo các qui định an toàn phòng, chống dịch và phải tuân thủ nguyên tắc 5K.

Theo ông Bình, các khu chung cư, công viên nằm trong chức năng ở, nếu đó là "vùng xanh" đảm bảo 5K thì toàn bộ UBND 22 quận, huyện TP Thủ Đức có thể cho phép người dân tập thể dục buổi sáng. Tuy nhiên, ông Bình lưu ý cần xem xét các vấn đề liên quan đến phương án phòng chống dịch.

"UBND TP.HCM để một quy định mở, là ngoài quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, đối với các địa bàn còn lại giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức tùy theo tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xem xét đề xuất thí điểm mở cửa lại một số hoạt động khi đạt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch", ông Bình lưu ý.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.