| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Tăng diện tích chứa nước tự nhiên để chống ngập

Thứ Sáu 10/07/2020 , 14:31 (GMT+7)

Đây là một trong những giải pháp quan trọng được lãnh đạo UBND TPHCM đưa ra tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM Khóa IX, ngày 10/7.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM Khóa IX diễn ra sáng ngày 10/7. Ảnh: N.Hoàng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM Khóa IX diễn ra sáng ngày 10/7. Ảnh: N.Hoàng.

Đại biểu Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM) cho rằng, tình trạng ngập nước do triều cường đã trở thành nỗi lo, nỗi ám ảnh của lãnh đạo và người dân TP.HCM. Mặc dù, nhiều năm nay thành phố đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, nhưng thực tế vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Đơn cử như tình trạng ngập thường xuyên xảy ra trên con đường Nguyễn Hữu Cảnh, cứ trời mưa lớn thì thường xuyên bị ngập, dù đã phải tăng cường máy bơm nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

“Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng một số khu vực còn vướng giải phóng mặt bằng, vì vậy người dân mong muốn chính quyền thành phố thông tin cụ thể về tiến độ thực hiện dự án này”, đại biểu Trần Quang Thắng nói.

Cũng theo đại biểu Trần Quang Thắng, nguyên nhân gây ngập trên địa bàn còn do việc ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, vì vậy theo đại biểu Thắng, Thành phố có thể thu phí chống ngập từ những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí để dự phòng giải quyết vấn đề ngập nước.

Trước ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay, dự án chống ngập nước có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng được người dân và chính quyền TP.HCM rất quan tâm, đặc biệt được sự ủng hộ từ Trung ương.

Cũng theo ông Hoan, TP.HCM là một địa phương có nguy cơ ngập rất cao. Vì vậy, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho TP.HCM triển khai thực hiện dự án chống ngập.

“Dự án này có quy mô lớn về vốn, là một tổ hợp phức tạp kể cả về tổ chức thi công và tổ chức quản lý vận hành sau này, gồm 6 cống, 3 đê và kè. Việc quản lý vận hành không đơn giản như chúng ta nghĩ như một hệ thống kiểm soát bình thường, bởi vì đây là một hệ thống vừa kiểm soát thủy triều, vừa kiểm soát lũ mưa, vừa kiểm soát cho các hoạt động lưu lượng nước, nhưng cũng đồng thời phải tạo điều kiện cho các hoạt động khác về giao thông đường thủy. Hoạt động này quản lý vận hành không phải chỉ riêng cho dự án này mà phải kết nối, phối hợp với tất cả các hệ thống quản lý khác trên địa bàn TP.HCM.

Kết quả sắp tới Thành phố phải đạt được ở dự án này sẽ mang lại một giá trị tổng hợp, vừa giảm ngập, vừa kiểm soát được thủy triều, vừa kiểm soát được mực nước ở trong lưu vực bên trong. Làm sao để tạo ra được cảnh quan thiên nhiên đẹp, tạo ra môi trường sông nước và phát triển giao thông đường thủy, đồng thời giải quyết được bài toán về du lịch trên sông. Đây là kết quả mang tính tổng hợp mà chúng ta hy vọng sẽ đạt được trong thời gian sắp tới”, ông Hoan nhìn nhận.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho biết, sau 4 năm triển khai dự án chống ngập, đến nay dự án đã hoàn thành khối lượng công việc được 85%. Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản đã hoàn thiện; chỉ còn một số trường hợp đã trao đổi và có sự đồng thuận của người dân; còn một số trường hợp khác còn chờ chính sách của quận, huyện để giải quyết dứt điểm.

“Đến cuối tháng 7, hai van chính ở cống Phú Xuân đã được lắp đặt, cuối tháng 8 sẽ lắp đặt một van ở cống Mương Chuối, cuối tháng 10 toàn bộ hệ thống của Dự án chống ngập sẽ cơ bản được hoàn thiện.

Thành phố đang tập trung xây dựng một quy trình quản lý vận hành, tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý vận hành và xác định chi phí quản lý vận hành để tổ chức quản lý vận hành trong 3-5 năm tới.

“Không để tình trạng Dự án hoàn thành mà không thể quản lý được”, ông Hoan nói.

Về hướng chung giải quyết bài toán chống ngập sắp tới, trong đó có nhiều giải pháp được Thành phố đưa ra, đặc biệt yêu cầu tất cả các nhà đầu tư, xây dựng khu đô thị mới từ 50-100 ha trở lên đều phải có hồ điều tiết. Những dự án công trình nào nằm ven sông hoặc lân cận sông có thể liên kết với các sông rạch đó để tạo ra môi trường chung, thống nhất thoát nước tự nhiên.

Dự kiến sẽ dành khoảng 5.000-10.000 ha diện tích đất Thảo Điền hoặc khu vực triền ven sông để cho ngập tự nhiên, tăng diện tích ngập nước của Thành phố ở các khu vực đó.

“Như vậy, sẽ tạo ra được những khu rừng hoặc những khu du lịch, khu dân cư mới ở trong rừng để khai thác những mảnh đất này hiệu quả hơn, hơn là việc khai thác, bơm đất, san lấp mặt bằng để xây dựng các đô thị tại đây.

Đồng thời, xem xét tăng diện tích ngập tự nhiên ở các khu vực khác. Kinh nghiệm này, đã làm được ở Thủ Thiêm. Như chúng ta đã biết, Thủ Thiêm là lõi của TP.HCM, nhưng đã dành hơn 100 ha đất ở Thủ Thiêm để làm vùng ngập nước tự nhiên.

Tính đến nay, vùng này đã bắt đầu phát huy tác dụng, môi trường tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sinh sống cho tất cả các loài động thực vật ở đây. Và sắp tới chúng ta sẽ quản lý thật tốt việc này, trên tinh thần là phải có những khu vực để tạo ra những vùng chứa đựng nước của thành phố thay vùng trung tâm hiện nay”, ông Võ Văn Hoan nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

2 người tử vong sau tiếng nổ lớn trong vườn nhà dân

Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vừa xảy ra vụ việc thương tâm khiến 2 người chết, 1 người bị thương.