UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, UBND TP.HCM phân chia làm hai giai đoạn tổ chức dạy học trực tiếp. Giai đoạn đầu từ ngày 13/12 đến ngày 25/12 thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp (2 tuần) đối với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12. Từ tuần thứ 2 sẽ tổ chức dạy học trực tiếp đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Riêng đối với huyện Cần Giờ, học sinh tại Trường mầm non Thạnh An, Trường Tiểu học Thạnh An, Trường THCS-THPT Thạnh An sẽ học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13/12.
Sau đó, từ ngày 27/12, sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục giai đoạn đầu. Căn cứ kết quả tổ chức dạy và học sau hai tuần và tình hình dịch Covid-19, Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND xem xét việc và quyết định việc tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn Thành phố từ ngày 3/1/2022.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu tổ chức dạy học trực tiếp là phải đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.
Tổ chức dạy học trực tiếp học sinh ở một số khối lớp để cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Ưu tiên các cơ sở giáo dục đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực và có kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp hoàn chỉnh.
Cơ sở giáo dục phải được đánh giá công tác an toàn trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục trước khi tổ chức dạy học trực tiếp và được kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học trực tiếp.
Đặc biệt, cá nhân tham gia dạy và học trực tiếp là các cá nhân không thuộc diện phải cách ly y tế để phòng chống dịch. Đối với học sinh, giáo viên đến từ vùng đỏ thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của y tế.
Để việc tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian tới, UBND TP.HCM cũng yêu cầu tổ chức họp phụ huynh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường trước ngày 5/12; Tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới ngày 8/12; Hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp ngày 10/12.
UBND TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại trước ngày 3/12 với những nội dung cụ thể như thành lập Tổ An toàn Covid-19 trường học; Bảng tự đánh giá công tác an toàn phòng, chống Covid-19; Phương án xử lý các tình huống khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại đơn vị…
Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng đơn vị không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của nhà trường để học sinh an tâm đi học và đảm bảo an toàn khi đi học.
Tổ chức thực hiện lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường.
Nếu học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất vị giác, mất khứu giác thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Khi ghi nhận các trường hợp có thân nhiệt cao hoặc có những triệu chứng đặc thù của Covid-19 trong trường thì phải xử lý theo đúng quy trình theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đồng thời, nhà trường duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết khác sau mỗi ngày học. Tổ chức lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, cầu thang theo quy định...