Ngày 31/7 (giờ địa phương), tại thành phố Rotterdam (Vương quốc Hà Lan), lãnh đạo UBND TP.HCM và chính quyền thành phố Rotterdam đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý ngập lụt tại TP.HCM.
Mục tiêu của Bản ghi nhớ này là nhằm tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý ngập lụt thông qua việc triển khai các dự án. Cụ thể, góp phần nâng cao sức chống chịu của thành phố đối với các tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện hiệu quả tình trạng ngập lụt tại TP.HCM. Bên cạnh đó, TP.HCM và thành phố Rotterdam sẽ trao đổi, cùng với sự tham gia của các cơ quan quản lý cảng của mỗi bên, về lĩnh vực phát triển cảng tại TP.HCM.
Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên cùng nhau nghiên cứu thực trạng biến đổi khí hậu và ngập lụt tại TP.HCM và đề xuất dự án hợp tác cụ thể phù hợp với định hướng, quy hoạch có liên quan với các điều khoản tham chiếu cụ thể. Đồng thời, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý khai thác cảng biển; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hệ thống cảng biển; phát triển các luồng hàng hải và hệ thống hậu cần cảng biển như các trung tâm logistics và cảng cạn ICD.
Chính quyền thành phố Rotterdam và Ban Quản lý Cảng Rotterdam hỗ trợ TP.HCM kêu gọi các doanh nghiệp Hà Lan tăng cường thương mại và đầu tư xây dựng các cảng biển mới, hiện đại, đảm bảo tiêu chí xanh tại TP.HCM.
Ông Enes Yigit, Phó Thị trưởng thành phố Rotterdam đánh giá cao quan hệ hợp tác với TP.HCM dựa trên những nét tương đồng giữa hai thành phố, đều là các trung tâm phát triển kinh tế của Hà Lan và Việt Nam và đều chịu ảnh hưởng của nước biển dâng.
Theo ông Enes Yigit, thành phố Rotterdam không chỉ mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp kỹ thuật cho TP.HCM mà còn muốn học tập các kinh nghiệm của TP.HCM trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo dự báo biến đổi khí hậu tại TP.HCM trong những năm tiếp theo sẽ diễn biến phức tạp. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2023, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Dự báo 5 năm tới, lượng mưa sẽ tăng từ 10 - 12%. Mực nước đỉnh triều 6 tháng đầu năm 2023, đỉnh triều cao nhất đo được tại trạm Phú An là 1,74m.
Về thực hiện các dự án xây dựng công trình phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030 giảm 50% thiệt hại do thiên tai gây ra so với giai đoạn 2011 - 2020.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị Rotterdam phối hợp với TP.HCM trong việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai thông qua tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu; chuyển giao, nâng cấp công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng nhà ở và các công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo bền vững, thân thiện môi trường.
Tại buổi làm việc, đại diện của thành phố Rotterdam cũng đã trình bày về các giải pháp đa dạng của thành phố Rotterdam trong việc quản lý các rủi ro ngập lụt, bao gồm xây dựng hệ thống đê điều quy mô lớn, xây dựng các công trình vừa có chức năng trữ nước, vừa phục vụ các hoạt động cộng đồng, các công trình nổi…
Đại diện của Ban Quản lý Cảng Rotterdam đã trình bày về các mô hình quản lý cảng biển trên thế giới, hợp tác giữa chính quyền Rotterdam và khối tư nhân trong vận hành cảng Rotterdam và các dự án thành phố Rotterdam đã tham gia thực hiện ở nước ngoài.