Đó là thông tin được đề cập trong công văn khẩn do Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký ngày 15/12 gửi Bộ Y tế về việc tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Qua đó nhằm bổ sung thêm nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh cho một số bệnh viện, trung tâm hồi sức Covid-19.
Cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung 1.000 bác sĩ, trong đó có 300 bác sĩ có chuyên môn hồi sức, cấp cứu và 2.000 điều dưỡng, trong đó có 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo UBND TP.HCM, hiện dịch trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng khá cao. TP.HCM vẫn đang duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, Bệnh viện hồi sức Covid-19, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16, trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y dược; Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế. Tuy nhiên, một số bệnh viện, trung tâm hồi sức cần bổ sung thêm nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh.
Từ đợt bùng phát dịch thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, Bộ Y tế đã huy động gần 20.000 nhân lực gồm sinh viên trường y, lực lượng ngành y từ miền Bắc, miền Trung vào chi viện trong công tác điều tra dịch tễ, tiêm chủng, điều trị bệnh nhân Covid-19...
Đến giữa tháng 10, TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Bộ Y tế đã cho rút lực lượng y, bác sĩ khỏi TP.HCM và các tỉnh phía Nam, bàn giao lại cơ sở vật chất, trang thiết bị các Trung tâm, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 cho TP.HCM tiếp quản.
Trước đó, ngày 14/12, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron tại TP.HCM với mục tiêu triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập và phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron tại Thành phố.