| Hotline: 0983.970.780

Trái cây nghịch vụ- hướng đi mới

Thứ Năm 04/12/2014 , 14:27 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đã duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực tập trung và định hướng rải vụ cho 12 giống cây trồng gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt.

Trên cơ sở này các tỉnh đã triển khai đến tận nhà vườn thực hiện và bước đầu giải pháp SX trái cây rải vụ đã hiệu quả.

Qua khảo sát tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang... thì đa phần các giống sầu riêng cơm vàng hạt lép, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc, thanh long... đều ứng dụng được biện pháp kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa rải vụ giúp nhà vườn có lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với giá thành SX.

Ông Đỗ Thái Hùng, Bí thư chi bộ ấp Bình Thuận, xã Tam Bình (Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: "Trái sầu riêng rải vụ năm 2014 đang đạt giá kỷ lục, gần 100.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nhà vườn thu lãi khoảng 80% so với giá bán. Hiệu quả của việc SX trái cây rải vụ đã rõ.

Nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Tam Bình đang dần loại bỏ tập quán SX chạy theo giá cả thị trường, đã biết phân bổ thời gian ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cho cây ra hoa rải vụ. Mỗi vườn thu 1 ngày, tránh thu hoạch tập trung nên giá sầu riêng 2014 luôn đứng ở mức cao".

UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt quy hoạch phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững đến năm 2020 là 74.000 ha vườn cây ăn trái chuyên canh. Tổng đầu tư phát triển vùng cây ăn trái là 915,9 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 2,9%, vốn tín dụng chiếm 48,6%, số còn lại là vốn tự có của nhà vườn, doanh nghiệp và HTX.

Ước sản lượng trái cây đến năm 2020 khoảng 1,3 triệu tấn, sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh ở mức 12 - 12,5%/năm.

Ở Bến Tre, nhà vườn đang ứng dụng khá tốt các biện pháp kỹ thuật để phát triển vườn cây ăn trái theo hướng chất lượng cao. Bà Phan Thị Thu Sương, PGĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: "Cả tỉnh đã trồng trên 32.050 ha cây ăn trái đặc sản, sản lượng bình quân khoảng 322.000 tấn/năm. Các giống cây chủ lực được tập trung phát triển theo hướng chuyên canh như chôm chôm 5.360 ha, nhãn 3.360 ha, bưởi da xanh khoảng 5.000 ha, măng cụt 3.230 ha, sầu riêng 1.848 ha…".

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã có 11 nhóm nhà vườn SX cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Định hướng đến năm 2020 Bến Tre sẽ giữ ổn định khoảng 30.000 ha và tập trung phát triển 5 giống cây ăn quả chủ lực gồm bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và măng cụt.

Theo đó trái bưởi da xanh, chôm chôm và nhãn đã có giấy "thông hành" xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Các loại trái liên kết được với doanh nghiệp tiêu thụ đều tăng giá trị từ 1 - 15%. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây giải pháp SX trái cây rải vụ đã được nhiều nhà vườn trong tỉnh làm khá thành công, tránh được tình trạng trúng mùa rớt giá.

KS Huỳnh Quang Đức, PGĐ Trung tâm KN-KN Bến Tre khuyến cáo: "Nhà vườn cố gắng dịch chuyển mùa vụ để tránh thu hoạch tập trung hoặc chọn thời điểm thị trường có giá tốt, dễ tiêu thụ. 

SX chôm chôm vụ thuận có thể chia thành 3 giai đoạn (cho trái  chín sớm vào tháng 5, chôm chôm rộ mùa tháng 6, 7, 8 và chôm chôm muộn tháng 9,10). Hoặc chuyển hẳn sang SX chôm chôm vụ nghịch, thu hoạch vào tháng 11, 12 năm trước, tháng 1, 2, 3 và 4 năm sau. 

Bưởi da xanh có thể thu hoạch quanh năm nhưng thời điểm “hút hàng” thường từ rằm tháng bảy đến tết Trung thu hoặc trước và sau Tết Nguyên đán. Cây sầu riêng thường trổ hoa vào hai thời điểm tháng 11 - 12 (âm lịch) và cho  thu hoạch rộ vào tháng 5 - 6 năm sau, đây là mùa chính vụ.

Thời điểm cây ra hoa thứ hai là vào tháng 6 - 7 (âm lịch) và cho thu hoạch vào tháng 1 - 2 sang năm, đây là mùa trái vụ, giá cả ổn định và thường ở mức khá cao. Đặc biệt, thời gian gần đây nhà vườn đã tiên tiến hơn là cho cây ra hoa rải vụ rất hiệu quả. 

"Tuy nhiên, SX trái cây còn mang tính chất tự phát, chưa có sự thống nhất quản lý. Trên cơ sở công tác dự báo thị trường, các địa phương cần có sự phối hợp thống nhất để định hướng SX trái cây rải vụ theo Quyết định 1648 của Bộ NN-PTNT ban hành, giúp nhà vườn đạt hiệu quả cao. Bố trí lại quy mô diện tích, sản lượng, thời gian rải vụ thu hoạch phù hợp để đảm bảo hiệu quả", PGS.TS Phạm Văn Dư nhấn mạnh.

Xét về mặt hiệu quả kinh tế, chi phí SX vụ nghịch (rải vụ) thường cao hơn vụ thuận nhưng bù lại giá bán và lợi nhuận đều cao. Ví dụ: Chi phí SX sầu riêng chính vụ hiện khoảng 29 triệu đ/ha, trong khi đó chi phí SX trái vụ khoảng 49 triệu đ/ha, tức là cao hơn 1,7 lần. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản chi phí thì mức lãi của nhà vườn SX chính vụ khoảng 370 triệu đ/ha, SX trái vụ khoảng 450 triệu đ/ha, tức là cao hơn 1,2 lần.

Tương tự, chôm chôm SX rải vụ có chi phí cao hơn 1,3 lần nhưng lợi nhuận thường cao hơn gấp đôi. Ngoài lợi nhuận cao hơn, độ rủi ro của thị trường thấp hơn cũng là yếu tố quan trọng giúp nhà vườn an tâm đầu SX rải vụ.

TS Lê Văn Hòa, Khoa Nông nghiệp & sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) nói: "Việc SX trái cây rải vụ là rất tốt, tuy nhiên phải dựa theo điều kiện tự nhiên, tránh việc xử lý chất hóa học làm ảnh hưởng không tốt đến sức sống của cây. Rải vụ trong quá trình SX trái cây là phải hướng đến tính bền vững.

Trên thực tế rải vụ đã phát sinh ra nhiều bệnh mới, vì vậy cần phải có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Mặt khác, SX rải vụ làm cho cây sinh trưởng không thuận lợi, vì vậy phải quan tâm đến rủi ro; nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, chi phí SX".

TS Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: "UBND tỉnh đã quy hoạch vùng SX chuyên canh trồng cây ăn trái đến năm 2020 khoảng 42.000 ha, chủ yếu là cam sành, bưởi Năm Roi, chôm chôm và sầu riêng.

Hiện tại, cây cam sành, bưởi Năm Roi đã được nông dân ứng dụng thành công giải pháp rải vụ. Vĩnh Long đang hướng nông dân SX trái cây theo tiêu chuẩn GAP và nhân rộng mô hình rải vụ".

TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết: "Giải pháp xử lý ra hoa rải vụ cho nhiều chủng loại cây ăn trái đã được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế rất thành công. Hiện tại, nhà vườn đang hưởng lợi lớn từ giải pháp xử lý cho cây ra hoa rải vụ. Để đảm bảo SX xanh và bền vững thì việc liên kết vùng, gắn kết với doanh nghiệp mạnh hơn nữa để tạo mối liên kết công - tư chặt chẽ là hướng đi tất yếu trong thời gian tới".

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích cây ăn trái vùng Nam bộ hiện có khoảng 466.428 ha, sản lượng khoảng 4,6 triệu tấn/năm (chiếm 56,2% diện tích, 62% sản lượng trên cả nước). Riêng vùng ĐBSCL đã trồng được hơn 288.268 ha cây ăn quả các loại. Việc SX trái cây nghịch vụ hoặc rải vụ là một trong những lợi thế của Nam bộ mà đặc biệt là vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm