Đổi thay hạ tầng vùng nông thôn đất mỏ
Năm 2010, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lợi thế đối với Quảng Ninh gần như không có. Cùng với đó, đặc thù vùng nông thôn của tỉnh có cả xã khu vực đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo, trong đó có tới 96 xã miền núi, vùng khó khăn.
Lúc bấy giờ, hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đạt thấp. 58 xã chưa hoàn thành 50% bộ tiêu chí. Khu vực nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng 25 triệu/năm.
Trải qua chặng đường xây dựng nông thôn mới, hiện nay, hình ảnh những con đường rộng thênh thang, những hàng cây xanh ngát cùng đường hoa đầy màu sắc hiện diện ở khắp các vùng quê của Quảng Ninh. Đặc biệt, những trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đã được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị, phục vụ cho nhu cầu học tập, khám chữa bệnh và sinh hoạt của người dân.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nhiều địa phương không ngừng được nâng cao. Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân tại các xã khó khăn miền núi chỉ đạt 4,7 triệu đồng/người, đến nay đã đạt 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn dưới 1% (năm 2022).
Người dân gặt hái 'trái ngọt'
Sau hành trình hơn 12 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 đơn vị huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ cách làm, cách triển khai bài bản trong xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh thời gian qua, cơ sở hạ tầng kinh tế được đầu tư đồng bộ, kinh tế khu vực nông thôn phát triển tích cực, nhiều mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị và các sản phẩm OCOP thông qua phát triển các sản phẩm địa phương, quảng bá thương hiệu để trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.
Kết thúc năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên khu vực miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Cô Tô); là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc có xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (xã Việt Dân, TX Đông Triều).
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Quảng Ninh đã thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn.
Đây cũng là cách Quảng Ninh gia tăng các giá trị mới, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và cũng là đòn bẩy để Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những "trái ngọt" đã đạt được, cùng phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hi vọng sẽ thúc đẩy những vùng còn khó khăn của tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.
Quảng Ninh dự kiến từ nay đến 2025 sẽ dành 4.000 tỷ đồng cùng các nguồn lực huy động hợp pháp khác để xây dựng hệ thống giao thông liên kết nội vùng và kết nối các vùng núi với các tuyến cao tốc hiện có.