| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/02/2020 , 09:19 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:19 - 19/02/2020

Trải thảm rồi rải đinh

Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng và Chính phủ, rất nhiều tỉnh, thành đã đề ra chính sách “trải thảm đỏ đón nhân tài".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Mục đích thu hút những người tài, người có năng lực trong các lĩnh vực từ quản lý đến chuyên môn từ các địa phương khác về địa phương mình làm việc, như tạo điều kiện về nhà ở, phương tiện đi lại, hỗ trợ một khoản tiền...

Kết quả là hàng ngàn nhân tài trên cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài nữa, đã đầu quân về các địa phương đang “ trải thảm đỏ” đó.

Thế nhưng, có không ít địa phương, sau khi “rải thảm đỏ”, nhưng khi đón được người tài về rồi thì ngay sau đó lại “rải đinh” đối với họ.

Như tại tỉnh Nghệ An chẳng hạn. Đến năm 2020, tỉnh này còn hàng chục người thuộc diện “rải thảm”, sau hàng chục năm, vẫn vất vưởng với chế độ ngoài biên chế.

Chỉ riêng tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay vẫn còn 44 nhân tài, sau cả chục năm bước lên “thảm đỏ” của tỉnh, vẫn mỏi mòn chờ được vào biên chế, nhưng vẫn không được.

Vì sao lại có chuyện đó? Câu trả lời là vì chưa được phân biên chế, và vướng chính sách tinh giản biên chế.

Thời nào cũng vậy, nhân tài luôn luôn là của hiếm “như lá mùa thu”. Vì vậy, người tài luôn luôn được chào đón ở mọi lúc, mọi nơi. Người tài có một đặc điểm chung là rất tự trọng. Họ luôn luôn tin ở mình, rất ít khi xin việc, bởi nói như thiên tài Lý Bạch thì “trời cho ta một cái tài, tất sẽ được dùng (thiên sinh ngã tài tất hữu dụng)”.

Vì vậy, đón được người tài đã khó. Nhưng dùng được người tài để họ phát huy hết được tài năng của mình còn khó hơn. Bất cứ một ai đã làm việc tại một cơ quan nhà nước, đều hiểu rõ những người làm hợp đồng (không nằm trong biên chế).

Phải chịu những thiệt thòi như thế nào: lương thấp, không được có tiếng nói trong cơ quan, không được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý... Không được vào biên chế, thì một người tài dù có làm việc hàng chục năm cũng không thể bằng một thanh niên mới ra trường nhưng đã được vào biên chế. Như vậy, thì người tài làm sao thi thố được tài năng của mình?

Điều lạ lùng nhất của đất nước ta là chính sách nọ gây cản trở cho chính sách kia. Đã có chính sách “rải thảm đón nhân tài” lại sinh ra chính sách tinh giản biên chế.

Điều kỳ cục nhất là trong khi hàng chục nhân tài mỏi mòn chờ đợi vào biên chế cả chục năm chưa được, thì năm 2020, tỉnh Nghệ An vẫn giao tới 87 chỉ tiêu biên chế, cấp lương năm cho 14 tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, dù theo quy định của Chính phủ thì chỉ được giữ ổn định số biên chế của các tổ chức này đến hết năm 2016.

Từ năm 2017 trở đi, chỉ được khoán hoặc hỗ trợ kinh phí chứ không được giao biên chế, giao lương năm nữa.

Tình trạng trên đã biến chính sách “thu hút nhân tài” thành một trò đùa.