Trạm đo mưa tự động tại Hồ chứa nước Hoa Sơn, tỉnh Khánh Hòa |
Ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai cho biết, mặc dù Chính phủ, ngành khí tượng thủy văn đã có chiến lược, kế hoạch hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nhưng do hạn chế về nguồn lực nên tốc độ phát triển lưới trạm quan trắc, nhất là các trạm đo mưa tự động rất chậm, mật độ trạm đo mưa thấp và phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước.
Qua nhiều năm lăn lộn với bão lũ miền Trung, ông Văn Phú Chính cùng các đồng sự tại Cty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) và Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung đã đề xuất và được Bộ NN-PTNT chấp thuận cho triển khai thí điểm thiết lập mạng đo mưa cộng đồng từ năm 2014 trong khuôn khổ Dự án Quản lý thiên tai WB5 với 85 điểm đo mưa cộng đồng được thiết lập tại tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định. Bằng việc cải tiến thùng đo mưa thủ công theo cách đọc lượng mưa trực tiếp thay vì đổ nước mưa ra bình thủy tinh tiêu chuẩn và sử dụng điện thoại để nhắn tin báo lượng mưa.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, mưa lớn bất thường và mưa cục bộ xảy ra thường xuyên hơn, đòi hỏi các số liệu đo mưa phải có được tức thời, chính xác. Đây là yêu cầu cơ bản của công tác dự báo, cảnh báo mà các điểm đo mưa cộng đồng bằng phương pháp thủ công không thể đáp ứng được.
Vì vậy việc phát triển nhanh các trạm đo mưa tự động chuyên dùng với chi phí phù hợp nhưng phải tuân thủ các quy định kỹ thuật chuyên ngành đã được WATEC triển khai nghiên cứu thực hiện. Trên thực tế, một số địa phương, chủ hồ chứa đã lắp đặt thiết bị đo mưa tự động từ rất sớm, tuy nhiên chi phí đầu tư khá cao, vận hành không ổn định nên nhiều trạm được lắp đặt xong thì “đắp chiếu” hoặc hoạt động không ổn định.
Với những ưu điểm và kết quả nổi trội của trạm đo mưa tự động VRAIN, WATEC đã trúng thầu gói thầu của Tổng cục Khí tượng thủy văn. Theo đó WATEC sẽ lắp đặt và cung cấp thuê bao dịch vụ cho 370 trạm đo mưa tự động nhằm thay thế các trạm đo mưa thủ công thuộc mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia tại 60 tỉnh, thành trên cả nước. |
Sau thời gian chuẩn bị, cuối năm 2015 đã có 10 trạm đo mưa tự động với thương hiệu VRAIN đã được lắp đặt tại tỉnh Quảng Ngãi. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu cải tiến từ bo mạch điện tử, thiết bị đo đến kiểm định, tổ chức lắp đặt, vận hành để có chi phí phù hợp với khả năng đầu tư của các địa phương, nhưng dù có thiết bị tốt lại không được tổ chức vận hành theo một hệ thống truyền và quản lý dữ liệu chuyên nghiệp thì không thể có được số liệu ổn định, chính xác, đáp ứng yêu cầu rất cao của công tác dự báo, cảnh báo.
Từ thực tế đó, WATEC đã đề xuất với các địa phương phương thức thuê bao khai thác dữ liệu đo mưa tự động, vừa phù hợp với nhu cầu, khả năng ngân sách của các địa phương, vừa tổ chức vận hành chuyên nghiệp và tuân thủ quy định kỹ thuật của Bộ TN-MT về quan trắc tự động.
Tháng 8/2016, 10 trạm đo mưa tự động tại tỉnh Bình Định được triển khai thực hiện theo phương thức này và đến nay đã có 31 trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại đây. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Định: So với đo mưa thủ công thì cách đo mưa tự động có chi phí hợp lý, cung cấp số liệu đáp ứng tốt cho việc chỉ đạo ứng phó với bão lũ, theo dõi các hồ chứa nước, đồng thời góp phần chỉ đạo việc chống hạn.
Ông Văn Phú Chính cho biết thêm: Hơn 2 năm qua, WATEC đã lắp đặt, vận hành 350 trạm đo mưa tự động tại 23 tỉnh, thành trong cả nước và 50 hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đồng thời tổ chức thành hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng VRAIN, một mạng quan trắc đo mưa tự động chuyên dùng lớn nhất và duy nhất trong cả nước.
Trạm đo mưa tự động tại Hồ chứa thủy điện Sê San 3, tỉnh Gia Lai |
Đặc điểm nổi bật của hệ thống trạm đo mưa tự động VRAIN là việc quản lý và truyền dữ liệu được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây, có đầy đủ các tính năng phục vụ yêu cầu khai thác dữ liệu trên máy tính với tốc độ truy cập nhanh và tính ổn định cao. Đặc biệt đã phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh (Mobile Apps) cho phép tất cả người dân, cán bộ có thể truy cập, nhận thông tin về lượng mưa và nhận cảnh báo mưa lớn trên điện thoại di động thông minh. Do vậy đã “kích hoạt” cả hệ thống chính quyền, các cơ quan và cộng đồng quan tâm, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn có thể xảy ra trên địa bàn. |