Anh bảo, sân khấu là giấc mơ của cả đời làm nghệ thuật của mình.
NSƯT Trần Lực
Vừa dựng xong vở “Quẫn” (kịch bản Lộng Chương) tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016 (diễn ra tháng 11/2016), vở diễn sân khấu đầu tay của mình, Trần Lực đã giành được giải Đạo diễn xuất sắc nhất và vở "Quẫn" cũng đoạt Huy chương Bạc, các diễn viên trẻ của vở "Quẫn" (đều là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học sân khấu, điện ảnh) giành 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc.
Vở diễn lần đầu tiên được giới thiệu đến rộng rãi công chúng vào ngày 18/2 tới trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn, NSƯT Trần Lực về con đường mới của anh.
Xin chào “đạo diễn trẻ” Trần Lực, được biết anh sẽ giới thiệu rộng rãi đến khán giả vở “Quẫn”- một kịch bản cũ của kịch tác gia Lộng Chương. Đây là một kịch bản cũ mà theo NSND Lê Khanh từng nói, nhiều đạo diễn từ chối dàn dựng vì câu chuyện kịch bản đề cập đã quá cũ - thời “công tư hợp doanh”. Vì sao, anh lại chọn kịch bản này để dàn dựng, đặc biệt lại với những diễn viên cực kỳ trẻ, đều là những sinh viên?
Vở “Quẫn” kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước. Đó là chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày.
Tôi làm vở diễn với cái nhìn mới, không đả phá, không đánh tư sản như ý tưởng cũ của kịch bản. Họ là con người. Tôi không thay đổi vở diễn, chỉ đưa họ về là chính họ, họ cũng có nỗi lo rất bình thường. Tôi muốn người hôm nay nhìn về ngày trước bằng cái nhìn của mình, để khán giả đồng cảm hơn với những nhà tư sản xưa.
Mục đích lớn nhất của tôi khi dựng vở kịch này là để khán giả biết, chúng ta đã có một giai đoạn như vậy, một giai đoạn ấu trĩ như vậy. Giờ chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn ấy đi, chúng ta không trách móc gì cả nhưng sự ấu trĩ ấy làm chúng ta thấy buồn cười. Chính vì chúng ta buồn cười, ấu trĩ thì chúng ta mới lớn lên được.
Anh đã có thủ pháp gì để hấp dẫn khán giả khi vở diễn cũ, dàn diễn viên mới, trẻ và đều là sinh viên?
Sinh viên năm thứ 4, với chúng tôi là diễn viên rồi, có nghề vững rồi. Các em có cái nhìn mới mẻ, có sự say mê, sáng tạo. Tôi sử dụng một thủ pháp nghệ thuật khác với thủ pháp của tác giả Lộng Chương.
Trước bác Lộng Chương viết theo thủ pháp nghệ thuật hiện thực tâm lý. Đạo diễn Trần Hoạt cách đây vài chục năm cũng dựng theo phong cách hiện thực tâm lý. Nhưng tôi dựng theo phương pháp ước lệ. Ước lệ không gian, thời gian, đặc biệt ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, từng động tác đều mang ý nghĩa nôm na là tả ý. Đó là những khác biệt.
Sân khấu kịch đang đìu hiu, anh có kỳ vọng vở “Quẫn” tạo nên một điểm nhấn cho sân khấu Thủ đô?
Sân khấu và điện ảnh VN một thời gian dài có phong cách thể hiện giống nhau quá. Sân khấu là loại hình nghệ thuật khác hẳn các loại hình khác, tôi nhớ, có thời kỳ khán giả nô nức đi xem kịch, nhưng dần dần người ta lạnh nhạt dần.
Một cảnh trong vở "Quẫn"
Tôi theo dõi và thấy rằng, những vở diễn mới nhưng phong cách vẫn giống những vở cũ. Những tìm tòi, cách thể hiện của diễn viên không mới. Mà sân khấu thì khác, người ta cần xem sự mới, liên tục phải mới. Với cách làm mới của tôi, hy vọng khán giả sẽ thấy sân khấu đáng yêu như thế nào, hay, kỳ thú ra làm sao, và mọi người đến rạp. Tôi mơ ước mọi người đến kín rạp để xem, ai đánh thuế tôi đâu.
Những năm 90, anh từng học khoa sân khấu, đi đào tạo ở nước ngoài cũng về sân khấu. Nhưng sao cho đến bây giờ, anh mới có tác phẩm sân khấu đầu tay?
Tôi sinh ra và lớn lên bên cánh gà sân khấu. Cha tôi là GS.NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, còn mẹ là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Tôi đam mê và yêu sân khấu. Tuổi thơ của tôi gắn với các vở diễn, với sân khấu. Và sân khấu ngấm vào máu thịt, đó là thế giới cổ tích của tôi. Nhưng dòng đời xô đẩy.
Khi đi học nước ngoài về, tôi cùng với vài người bạn, lang thang khắp Hà Nội tìm mở một sân khấu tư nhân. Nhưng những năm 90 chưa được phép thực hiện sân khấu tư nhân. Rồi công việc đóng phim cứ cuốn tôi đi, nhưng tôi vẫn đau đáu với sân khấu, luôn dõi theo và tìm đến sân khấu khi có cơ hội.
Khi thực hiện vở "Quẫn", hãng phim của tôi cũng có dự án làm phim, nhưng tôi quên hết, chỉ tập trung vào sân khấu. Đó là ước mơ của cả đời tôi. Cha tôi cũng mừng lắm vì đã có người “nối nghiệp”.
Xin cảm ơn anh!