Trần Nữ Yên Khê chẳng hề xa lạ với những ai yêu điện ảnh. Trần Nữ Yên Khê là một trong những diễn viên gốc Việt nổi tiếng bậc nhất trong làng nghệ thuật thứ bảy quốc tế. Trần Nữ Yên Khê từng xuất hiện trong nhiều bộ phim có tiếng vang như “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Thung lũng hoang vắng”, “Và anh đến trong cơn mưa”, “Vĩnh cửu”, “Vợ ba”...
Từ phim ngắn “Người thiếu phụ Nam Xương” sản xuất năm 1989 đến nay, Trần Nữ Yên Khê và chồng là đạo diễn Trần Anh Hùng đã có nhiều cuộc chinh phục khán giả rất ngoạn mục. Ngoài vai trò diễn viên, Trần Nữ Yên Khê cũng tham gia chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế trang phục cho các bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Ở tuổi 55, Trần Nữ Yên Khê khiến giới mộ điệu ngạc nhiên, khi tổ chức triển lãm cá nhân “White Blank” tại Galerie Quỳnh, TP.HCM. Chị cho biết, đã âm thầm thực hành nghệ thuật suốt hơn 3 thập niên qua, nhưng bây giờ mới công khai xuất hiện.
Chủ đề “White Blank”, tạm dịch nghĩa là khoảng trống màu trắng, gồm cả tác phẩm điêu khắc và tranh của Trần Nữ Yên Khê, đã đưa người xem vào một thế giới đầy mộng mị và bất ngờ.
Tác phẩm điêu khắc của Trần Nữ Yên Khê tạo ra các dạng thể trôi chảy mang đến một nguồn lặng tưởng và khuây khỏa khỏi những hỗn loạn trong thế giới chúng ta đang sống. Làm nên từ nhiều chất liệu như thạch cao, đồng đúc và vật liệu tổng hợp, tác phẩm điêu khắc của Trần Nữ Yên Khê tạo hình mềm mại, sống động mà chẳng thể nhận dạng như những thực thể rõ ràng, lại đồng thời thật thân quen.
Cảm hứng từ một trích dẫn của Kandinsky “trắng nghe như sự im lặng, là cái không trước mọi khởi đầu”, tác phẩm điêu khắc của Trần Nữ Yên Khê hoàn toàn không màu, chỉ trở nên hữu hình khi ánh sáng hiện diện. Do được định hình bởi các vùng tối và sáng nhẹ nhàng, chúng chuyển mình thay đổi cấu trúc theo chuyển động của ánh sáng.
Trần Nữ Yên Khê chia sẻ: “Tạo hình cầu kì của những điêu khắc này khơi gợi sự phức tạp của cây cỏ và đại dương, cũng như cái nguyên sơ của hang động, dấy lên dòng cảm xúc và thôi thúc trong sắc trắng. Thông qua tương phản và giản lược, hàm chứa và vẫy gọi vào một trải nghiệm tĩnh lự”.
Cùng với tác phẩm điêu khắc, loạt tranh “Giữa Chắc chắn và Hoài nghi” của Trần Nữ Yên Khê cũng không kém phần lôi cuốn. Kết hợp các vật liệu truyền thống với mỹ quan hiện đại, Trần Nữ Yên Khê đã “thực hiện một cuộc trao đổi đối kháng về mặt thị giác, dù chỉ sử dụng một số ít yếu tố tương phản”.
Tranh của Trần Nữ Yên Khê có bố cục bao gồm giấy dâu tằm mỏng xuất xứ từ Trung Quốc chồng lớp trên vải lanh thô, và các vùng màu đa sắc dạng hình học. Sự căng thẳng giữa cái lững lờ, vần vũ của các hình thể giấy thanh tao, cùng cái chắc chắn của các dạng hình học, thôi thúc người xem chìm vào trạng thái khi mắt không thể tập trung hoàn toàn vào chỉ một trong các yếu tố mà không bị cản trở và bị thu hút bởi sự hiện diện của yếu tố còn lại.
Góc độ khác của Trần Nữ Yên Khê. Các tác phẩm trên giấy dó có tựa đề “Gió” thay vì mềm mại, vô hình như tơ của những lớp giấy dâu tằm trong tranh, Trần Nữ Yên Khê lại trừu tượng hóa những dạng hình thành những hình khối rắn chắc nhiều sắc màu. Loạt tác phẩm này, chính chất liệu giấy dó đã mang lại cảm giác mong manh đối lập với các dạng hình học tương phản đè trên.
Triển lãm "White Blank" cho thấy một chân dung khác của Trần Nữ Yên Khê nằm ngoài điện ảnh. Đánh giá về tác phẩm Trần Nữ Yên Khê, nhà phê bình Joe Fyfe cho rằng: “Trong mọi trường hợp, tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê đều chứng thực cho một lý tưởng, mà trong đó, người nghệ sĩ trình bày sự tiếp nối trong đời sống của chúng ta và sự giao kết với hình thái trừu tượng, rằng nó có thể phân minh muôn dạng theo một cách độc nhất, lạ thường nhưng bất biến với thời gian”.