| Hotline: 0983.970.780

Trần Quốc Vượng - “Nghiêm thay sử bút”

Thứ Ba 18/08/2015 , 08:57 (GMT+7)

“Nghiêm thay sử bút” là một nguyên tắc tối thượng mà GS Trần Quốc Vượng áp dụng trong nghiên cứu lịch sử được học trò là PGS.TS Trần Kim Đỉnh nhắc đến tại Tọa đàm khoa học “Còn là tinh anh”.


GS Trần Quốc Vượng (1934-2005)

Buổi tọa đàm nhằm kỷ niệm 10 năm ngày mất GS Trần Quốc Vượng - một trong “Tứ trụ” của giới sử học Việt Nam hiện đại, diễn ra ngày 17/8 tại Hà Nội.

“Vượng rất sắc”

GS.NGND Phan Huy Lê, người đồng môn, đồng nghiệp của GS Trần Quốc Vượng, cũng là một trong “Tứ trụ” Khoa Lịch sử mở đầu cuộc tọa đàm bằng lời đánh giá của các học giả Paris (Pháp) đã khái quát: “Vượng rất sắc, Tấn rất sâu, Lê rất chắc”.

Đặc điểm nổi bật nhất ở GS Trần Quốc Vượng là nhạy bén, sắc sảo, luôn luôn tìm thấy cái mới. GS Trần Quốc Vượng không bao giờ bằng lòng với những hiểu biết đã có không chỉ của bản thân, mà cả giới nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu khoa học nói chung. Trí tuệ của GS Trần Quốc Vượng là luôn luôn phản biện với các vấn đề.

Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, từ những năm 1960 - 1970, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên đã đưa ra khái niệm về “Biên giới học”.

Lúc đó, Trung tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, rất hoan nghênh. Chính GS Trần Quốc Vượng đề xuất với Trung tướng Phạm Kiệt và được vị tướng này ủng hộ, để rồi sau đó, Bộ Quốc phòng đã tổ chức được 3 cuộc Hội thảo về vấn đề biên giới.

Gần đây, ĐHQG Hà Nội tiếp tục đề xuất vấn đề nghiên cứu biên giới là sự tiếp nối những khai phá bước đầu của GS Trần Quốc Vượng.

Riêng về lịch sử cổ - trung đại, GS Trần Quốc Vượng gần như lật lại toàn bộ sử liệu 1.000 năm Bắc thuộc. Ông cũng chính là người đi tiên phong trong việc đặt lại vấn đề nhà Mạc một cách quyết liệt nhất từ những năm 1990.

“Anh Trần Quốc Vượng đã khẳng định, nhà Nguyễn là triều đại có công thống nhất đất nước từ Bắc đến Nam, chứ không phải triều Tây Sơn. Các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đã có công xây dựng văn hóa phát triển bậc nhất nước ta thời phong kiến. Sau 10 năm anh qua đời, nhìn lại, bên cạnh cá tính có một không hai, thì tư duy trí tuệ của Trần Quốc Vượng là căn bản nhất”, GS.NGND Phan Huy Lê khẳng định.

“Nghiêm thay sử bút”

GS Trần Quốc Vượng đã khai mở những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới và bảo vệ đến cùng bằng chứng lý của mình. Ông là một trong những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy sử học. Ông đã thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm và lương tâm của nhà sử học để đánh giá đúng sự thật và viết sự thật.

“Thế hệ học trò khảo cổ đầu tiên ở Sài Gòn của thầy Trần Quốc Vượng, thầy Hà Văn Tấn nay đã trưởng thành, “già rồi” nhưng vẫn luôn biết mình là những học trò nhỏ của các thầy, nhất là về phương pháp tiếp cận vấn đề và tư duy phản biện. Bên cạnh đó, “học thầy học bạn” là lời khuyên bảo của thầy Vượng mà chúng tôi cố gắng làm theo.
Những gì thầy Vượng và nhiều thầy cô khác để lại cho chúng tôi không chỉ là tri thức mà còn là cái tâm đối với nghề, cái tình đối với người. Chúng tôi trưởng thành là nhờ điều đó!” (TS Nguyễn Thị Hậu).

Năm 1987, năm đầu tiên của Đổi mới, GS Trần Quốc Vượng đã công bố nhiều bài viết táo bạo đặt lại nhiều vấn đề thời Nguyễn, nhà Nguyễn. Đó là: “Vài suy nghĩ về xứ Huế và vị thế lịch sử của nó” (Tạp chí Sông Hương); trả lời phỏng vấn báo Tổ quốc với tiêu đề: “Xem xét lại thời Nguyễn và nhà Nguyễn”. Cũng trong số báo này ông công bố bài viết “Xứ Huế những giá trị lịch sử - văn hóa”.

Năm 2001, kỷ niệm 45 năm thành lập Khoa Lịch sử, GS Trần Quốc Vượng viết: “Những quan điểm quan trọng hơn cả là Khoa Lịch sử đã và đang suy nghĩ lại để đặt ra những vấn đề mới làm nền tảng cho sự nghiệp Sử học mới Việt Nam”. Đó chính là đặt lại nhiều vấn đề thời Nguyễn, nhà Nguyễn.

“Điều quan trọng là nhiều ý tưởng mới, cách tiếp cận mới của ông góp phần làm sáng tỏ những huyền bí của lịch sử, phản ánh đúng hiện thực lịch sử, nhận thức, chuẩn chỉnh những mơ hồ, sai lệch những nhận định phiến diện, thiếu tính khách quan khoa học về nhiều sự kiện và nhân vật trong lịch sử dân tộc”, PGS.TS Trần Kim Đỉnh cho biết.

Tài trí Trần Quốc Vượng

Tư duy trí tuệ của GS Trần Quốc Vượng không chỉ trong Lịch sử. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa “Liên/ Đa/ Xuyên ngành”, như cách nói của ông. Chính vì thế, số lượng tác phẩm ông để lại cũng trải dài như vậy. Năm 2012, Nhà nước đã truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho 3 công trình nghiên cứu của GS Trần Quốc Vượng là: “Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và Suy ngẫm”; “Việt Nam cái nhìn Địa - Văn hóa”; “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”.

Ông đánh dấu mốc mở đầu trong đổi mới tư duy sử học, ông khai sơn phá thạch trong ngành Khảo cổ học ở Việt Nam, ông còn khai mở ngành Du lịch học ở ĐHQG Hà Nội. Không chỉ bao quát/ xuyên thấu diễn trình lịch sử và văn hóa khắp cả 3 miền trên đất nước Việt Nam, GS Trần Quốc Vượng còn có “cặp mắt đại bàng” để nhìn ra biển cả với những ý tưởng, nghiên cứu về biển. Điều mà hôm nay, đã trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết khi biển Đông dậy sóng.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.