| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở 'vàng xanh'

Thứ Sáu 12/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bây giờ, khi đã trở thành hàng hóa, cau đem lại niềm vui và cũng nhiều nỗi chua chát cho người dân theo biến động giá cau trên thị trường.

Xứ ngàn cau

Huyện Sơn Tây, nơi cư ngụ của đồng bào Ca Dong, được truyền tụng là “xứ ngàn cau”. Bên những sườn dốc, đèo là bạt ngàn vườn cau ngả bóng xuống sông Đắc Prinh lững lờ trôi.

Tới bây giờ, người Ca Dong nơi đây vẫn lấy cau làm thước đo giàu nghèo. Họ phạt vạ nặng những ai chặt cau. Khi con cái lập gia đình, bố mẹ cho một vườn cau làm vốn. Trong lễ cúng Giàng, họ cầu thần linh phù hộ cho cau sai quả.

Đâu chỉ những vùng núi, bên cạnh TP.Quảng Ngãi là các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, cau cũng bạt ngàn cau. Người dân nơi đây không biết cau mọc tự bao giờ, nhưng chỉ ghi nhớ rằng, từ thế kỷ 11 và đến những năm đầu thế kỷ 20, từ Sơn Tây, nườm nượp thuyền chở cau xuôi dòng Trà Khúc về với thương cảng Thu Xà; từ đó thương thuyền chở cau đi các tỉnh, ra cả nước ngoài.

Trồng cau trở thành một nghề khá phổ biến ở Quảng Ngãi. Chẳng hạn ở thôn An Mô (xã Đức Lợi, Mộ Đức), những vườn cau xuất hiện đã trên 30 năm. Toàn thôn có hơn 300 hộ thì 100% nhà trồng cau, có hộ trồng đến gần 1.000 cây cau...

Trăn trở “vàng xanh”

Nhiều trở lại đây, ngoài việc trồng cau bán trong các dịp cưới hỏi, người trồng cau Quảng Ngãi còn bán cau cho các thương lái Trung Quốc. Nhiều niềm vui, cùng nỗi chua chát khi đầu ra cây cau Quảng Ngãi hoàn toàn phụ thuộc vào số thương lái Trung Quốc này.

Còn nhớ cách đây không lâu, với vựa cau gần 600 gốc, ông Thoại (72 tuổi, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành) thu về hơn 60 triệu đồng. Ông tính: “Mỗi cây cau bình quân cho 3 buồng, mỗi buồng khoảng 100-200 quả. Theo giá thị trường lúc ấy 1kg cau trái (khoảng 30 quả) bán với giá từ 5.000 - 10.000đ thì có nhà một năm thu về đến vài trăm triệu đồng”.

Người ta gọi cau là “vàng xanh” cũng vì thế. Cùng với bán trái, nhiều người còn ươm cau giống để bán, cũng thu không ít tiền.

Thế nhưng đến năm 2014, cau rớt giá thảm hại. Ông Thoại ngao ngán: “Năm ngoái giá cau rớt xuống chỉ còn 200đ/kg vẫn không bán được. Tôi chặt gần 200 gốc cau, tính trồng cây khác, nhưng cũng chẳng biết trồng cây gì bây giờ”.

Được biết hiện tại giá cau tươi ở Quảng Ngãi giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000đ/kg (tháng trước 6.000-8.000đ/kg tùy vùng) và đang có xu hướng giảm tiếp. Điều này càng gây khó khăn cho người trồng cau.

Mấy năm qua, dân trồng cau cứ luân phiên điệp khúc cau có giá thì mở rộng vườn tược, mất giá thì chặt cau. Huyện Nghĩa Hành năm ngoái có hàng tấn cau đỏ ối thối rữa đầy các vườn.

Cũng bởi, người dân hoàn toàn mù tịt thông tin về thị trường xuất khẩu cau. Khi được hỏi bán cau cho ai, ông Thoại nói bán cho thương lái Trung Quốc mà ông gọi là “tài xích”, nhưng “tài xích” đó tên gì, ông không biết; còn hỏi bán sang Trung Quốc để họ làm gì, ông cũng không biết nốt.

Ngay cả thời điểm cau được giá, người dân vẫn chịu thiệt, bởi sự tính toán khôn ngoan, lọc lõi của cánh thương lái. Do việc tiêu thụ cau hoàn toàn phụ thuộc phía Trung Quốc nên dẫn đến ép giá. Không ít trường hợp do cần tiền, một số hộ chấp nhận bán cau non ngay thời điểm giá cao...

Bà Võ Thị Trúc (khối phố 1, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa) có vựa cau được xem là lớn nhất Tư Nghĩa. Năm ngoái, hơn 40 tấn cau khô trị giá hơn 1 tỷ đồng của bà đành để thối. Số cau xuất đi tuy được lựa chọn kỹ, vẫn bị thương lái khấu trừ lên đến 40%, với lý do… không đạt chuẩn. Bao vốn liếng vay mượn đổ vào cau, giờ nợ chồng chất.

“Vốn bỏ ra cho một mùa thu hoạch, nào là hái, xiết cau, sấy cau…rất nhiều công đoạn, không bán được thì chịu chết. Năm nay cau cũng vẫn ế ẩm, tôi chẳng biết tính ra sao” - bà Trúc ngậm ngùi.

Xem thêm
Đặt, duy trì hoạt động của cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại

Đây là một trong những trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.