| Hotline: 0983.970.780

Trang trại của tình già

Chủ Nhật 12/02/2012 , 09:01 (GMT+7)

Có một trang trại hết sức thơ mộng của một đôi vợ chồng già ở thôn 5, xã Ia Tô (huyện biên giới Ia Grai, Gia Lai) thơ mộng như chính cuộc tình của đôi vợ chồng già này: Ông Trần Huy Lập và bà Trương Thị Vân.

TÌNH YÊU NƠI TUYẾN LỬA

Bà sinh năm 1946, quê Thạch Hà, ông sinh năm 1938, quê Kỳ Anh, cùng là Hà Tĩnh, và cùng là bộ đội Trường Sơn. Năm 1960, ông Lập đi bộ đội, đến năm 1963 hết nghĩa vụ, ông ra quân. Tuy nhiên cuối năm 1964, ông lại tái ngũ, làm lính Trường Sơn. Bà Vân đi TNXP năm 1964, đến năm 1965 thì chuyển sang bộ đội. Vậy là, không hẹn mà cả ông Lập, bà Vân lại gặp nhau ở cái binh trạm 13 khói lửa, bom rơi đạn vãi nơi rừng núi của chiến trường Quảng Trị.

Ông Lập cười hiền hậu - nụ cười của ông già bảy mươi tư tuổi mà trông vẫn còn tình lắm:

- Tôi cũng không biết là mình yêu bà Vân vì điểm nào, có thể là do cái hát hay và múa đẹp của bà.

Ông Lập từng chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn, chiến trường Lào. Ông nói vui rằng ông không dính đạn, không chết nơi đạn bay như vãi trấu ở những chiến trường ấy, vậy mà ông lại “dính đạn”, lại “chết” với bà Vân khi mới gặp lần đầu. Vậy là, năm 1970, đám cưới ông bà được tổ chức ở cái nơi mà người ta gọi là “cối xay thịt” của Quảng Trị. Nói đám cưới cho oai vậy thôi chứ thực ra, hai người chỉ báo cáo với cấp trên chứ ở chiến trường ác liệt, làm gì có điều kiện mà tổ chức đám cưới.

Năm 1973, ông Lập ra quân và về quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sau đó 3 năm - năm 1975, bà Vân cũng ra quân và về sống với chồng. Bà kể, hồi đó làm ruộng khổ lắm, đất đai cằn cỗi, thời tiết thất thường, có năm quần quật ngoài đồng mà đến khi thu hoạch đành trắng tay. Năm 1984, ông bà dắt díu 5 người con vào Gia Lai sinh sống. Bà vào làm công nhân ở Nông trường Cà phê Ia Châm, ông làm vườn. Ngày ấy khổ lắm, nhiều hôm phải tìm từng củ sắn, từng quả chuối rừng để nuôi con. Không ít đêm bà lặng lẽ rơi nước mắt vì thấy đàn con đói ăn, nheo nhóc.

Mãi đến năm 1998, ông mới đến khai hoang ở cái nơi mà bây giờ là một trang trại xinh xắn này. Năm 2000, bà Vân nghỉ hẳn ở Công ty Cà phê Ia Châm, về cùng ông làm vườn.

NẶNG TÌNH VỚI ĐẤT TÂY NGUYÊN

Ông Lập kể: Năm 1998, ông đặt nhát cuốc đầu tiên ở cái trang trại này. Hồi ấy, đây là vùng đất hoang hóa, không ai thèm nhìn tới bởi chỉ toàn bụi bờ, vũng lầy và bãi chăn thả bò của đồng bào. Có đêm đang ngủ, ông bà còn nghe dân ở làng De Lung (cách chỉ vài cây số) hô hoán vì cọp về làng bắt trâu bò. Mới đầu cũng nản, nhưng nghĩ mình đến sau nên không có quyền chọn lựa, vậy là phải cố thôi.

Hai ông bà quần quật cả ngày, hết phát dọn rồi trồng trỉa, đào ao thả cá, nắn dòng làm thủy lợi… Các con của ông bà tranh thủ lúc học xong cũng giúp bố mẹ làm vườn. Vậy rồi cái trang trại cũng dần hình thành, theo đó là những tháng ngày đói khổ cũng dần lùi vào dĩ vãng.

“Đất Tây Nguyên không phụ lòng người”, ông Lập tâm sự. Quả vậy, cái trang trại 2,2 ha của gia đình ông bà bây giờ là cả một sự quy hoạch hết sức bài bản, khoa học: Căn nhà nhỏ nửa xây, nửa ván núp dưới những tán cây nào sầu riêng, bời lời, mận và các loại cây ăn quả khác. Xa hơn là cà phê, điều, là măng tre…

Trước nhà là một vườn hoa hồng, hoa cúc rộng cả trăm mét vuông, trước đó nữa là ao cá với mè, trắm, trê, rô phi bơi kín nước. Một con suối nhỏ, nước trong vắt quanh năm róc rách. Trong vườn, mấy chú chó tinh nghịch đuổi bầy gà chạy táo tác. Khắp vườn là ngan, thỏ, lợn, gà… Bà Vân khoe:

- Ở đây thứ gì cũng có, không cần phải đi chợ mỗi ngày.

Quả vậy. Cái trang trại xanh um nằm lọt thỏm dưới một thung lũng ngay bên tỉnh lộ 664 dẫn về biên giới hầu như không thiếu thứ gì. Bất cứ lúc nào có khách đột xuất cũng đều sẵn sàng thực phẩm tươi sống, rau xanh tự trồng. Ông bà làm trang trại này không phải để lấy sản phẩm đem bán.

Một tình yêu tuổi già trong một trang trại xinh tươi, yên tĩnh lọt thỏm trong một thung lũng vùng biên. Có lẽ không nhiều người có được cuộc sống như vậy.

Ông tâm sự: “Tôi thấy mình chưa giàu về tiền bạc. Tuy nhiên tôi lại giàu vì tình cảm anh em bạn bè, tình đồng đội chiến đấu ở chiến trường năm xưa”. Đúng như lời ông nói, cái trang trại này là điểm dừng chân của nhiều đoàn cán bộ huyện đi công tác vùng biên giới ghé vào thăm chơi, hòng tìm chút yên tĩnh, thư thái sau mỗi chuyến công tác, làm việc căng thẳng mệt nhọc. Đây cũng là nơi gặp gỡ thường xuyên của những cựu binh Đoàn 559 Trường Sơn- những người đã từng sát cánh, vào sinh ra tử với ông bà.

Những lúc như vậy, những câu chuyện, những kỷ niệm chiến trường lại ùa về, lúc vui vẻ với một chiến công, một kỷ niệm vui nào đó; khi chùng xuống mỗi lần nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viến gửi thân lại chiến trường…

Hôm chúng tôi đến, ông bà đang làm vườn. Cái hay là dù trồng rau, câu cá hay làm bất cứ việc gì, ông bà đều ở bên cạnh nhau: Ông câu cá, bà cho cá ăn; ông tưới rau, bà bắt sâu nhổ cỏ… Có lẽ trải qua bao bom đạn chết chóc thời chiến, trải qua cực nhọc thiếu thốn của những tháng ngày sau giải phóng thì, đây là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của đôi cựu binh già này. Ông Lập nói:

- Vợ chồng tôi cũng chỉ cần như thế này là đủ.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm