| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lùm xùm ở chi nhánh Vietinbank:

Tranh chấp 'tàu 67', ngư dân kêu cứu Thủ tướng

Thứ Năm 08/11/2018 , 06:01 (GMT+7)

Mặc dù khẳng định cho vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Ninh Bình lại triển khai theo kiểu… một mình một chợ, không đúng quy định.

PV NNVN ghi nhận câu chuyện này của ông Trần Viết Hải (xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) - người đã hai lần viết đơn xin trả lại “tàu 67” và kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.
 

Dự toán tài sản một đằng, cho vay một nẻo

Ngày 11/5/2016, gia đình ông Hải được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 89/2015/ND-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67.

Ông Trần Viết Hải đau xót khi con “tàu 67” gần 20 tỷ phải nằm bờ suốt hơn nửa năm qua

Từ căn cứ trên, ông Hải ký hợp đồng kinh tế đóng mới 1 tàu cá vỏ thép nghề lưới rê với Công ty CP Đóng tàu thủy Hoàng Phong (theo đúng nội dung bản vẽ thiết kế đã được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá – Tổng cục Thủy sản phê duyệt) mang ký hiệu thiết kế: LR295.08, số hiệu NB-90009-TS.

Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Thẩm định giá và dịch vụ tư vấn Hải Phòng (một trong những đơn vị được Bộ Tài chính công bố danh sách doanh nghiệp thẩm định giá), tổng dự toán đóng mới con tàu này là 19,428 tỷ đồng.

Ông Hải chia sẻ: “Ngày 23/5/2016, tôi có buổi làm việc với Vietinbank chi nhánh Ninh Bình. Ngân hàng yêu cầu tôi bỏ tiền ra đóng trước 1,9 tỷ đồng (tương đương với 10% tổng dự toán con tàu) cho doanh nghiệp đóng tàu. Đồng thời viết đơn tự nguyện thế chấp 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình tôi thì mới được ký hợp đồng tín dụng”.

Khi ông Hải đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng để đóng tàu (có hóa đơn chứng từ đầy đủ) và thế chấp 2 sổ đỏ, đáng lẽ số tiền tối đa mà chủ tàu được vay của ngân hàng VietinBank theo Nghị định 67 là 17.485.200.000 đồng (tương đương 90% giá trị con tàu); còn vay theo Nghị định 89 thì số tiền tối đa mà ông Hải được vay sẽ là 18.456.600.000 đồng (tương đương 95% giá trị con tàu).

Tuy nhiên, Vietinbank không công nhận kết quả thẩm định dự toán con tàu ký hiệu LR295.08 của Cty CP Thẩm định giá và dịch vụ tư vấn Hải Phòng. Phía ngân hàng chỉ đồng ý cho ông Hải vay tối đa 15.400.000.000 đồng (tương đương 78% tổng dự toán con tàu).
 

Khó khăn chồng chất

Ông Hải cho biết: Tôi bị Vietinbank chi nhánh Ninh Bình đặt vào tình thế “đâm lao thì phải theo lao”. Bởi trước đó, tôi đã trả 1,9 tỷ đồng cho công ty đóng tàu, không thể hủy hợp đồng được. Số tiền tôi cần vay là khoảng 17,5 tỷ đồng. Nhưng, đến khi thỏa thuận hợp đồng vay vốn, ngân hàng soạn sẵn một bản hợp đồng và ấn định mức vay tối đa là 15,4 tỷ đồng. Nếu tôi không ký thì ngân hàng không đồng ý cho vay, tôi buộc phải ký.

Như vậy, ông Hải vẫn thiếu hơn 2 tỷ đồng để hoàn thành trả nợ cho công ty đóng tàu. Đây là số tiền quá lớn, ông Hải không thể xoay sở được vì cả 02 sổ đỏ của gia đình đang bị ngân hàng giữ.

12-44-15_tu67_3
Ông Hải viết đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ

Không những thế, chi phí mỗi chuyến đi biển lên tới hàng trăm triệu đồng. Số tiền này rất lớn bao gồm 1.000 lít dầu; 400 cây đá, 10 triệu đồng thực phẩm; lương công nhân 35 triệu đồng; chi phí sửa chữa, vá lưới khoảng 10 triệu đồng. Bởi vậy, hơn nửa năm qua, con tàu gần 20 tỷ đồng của ông Hải thường xuyên phải neo đậu ở bờ, nhiều bộ phận đã bị rỉ sét.
 

02 lần viết đơn trả lại tàu

Trước đó, từ ngày 2/10/2016, ông Hải viết đơn đề nghị ngân hàng cho vay thêm vốn theo quy định của Nghị định 89 (được vay 95% tổng dự toán con tàu) để thanh quyết toán và nhận bàn giao tàu nhưng không được giải quyết.

Mặt khác, Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung cũng không bắt buộc người vay vốn đóng tàu phải thế chấp sổ đỏ. Ông Hải muốn rút những giấy tờ này về để thế chấp tài sản huy động vốn ở nơi khác. Tuy nhiên, ngân hàng không đồng ý.

Ngày 13/10/2017, ông Hải gửi đơn đề nghị bàn giao lại tàu và giấy tờ cho ngân hàng Vietinbank chi nhánh Ninh Bình với lý do: “Ngân hàng không đảm bảo đúng chính sách của Nhà nước theo Nghị định 67 và Nghị định 89”.

Ông Hải trần tình: “Đối với trường hợp của tôi, để tham gia dự án theo Nghị định 67 của Chính phủ thì phải bỏ ra ít nhất số tiền mặt là 4 tỷ đồng và hai sổ đỏ giá trị tài sản thế chấp là 4 tỷ đồng (theo giá thị trường hiện nay). Như vậy tổng số tiền tôi phải bỏ ra là 8 tỷ đồng (tương đương hơn 40% giá trị con tàu).

Tôi thiết nghĩ tất cả mọi công dân trên đất nước Việt Nam đều được hưởng chính sách hỗ trợ để phát triển thủy sản của Chính phủ như nhau. Song bản thân tôi không được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ như Nghị định 67 và Nghị định 89 của Nhà nước”.
 

Vietinbank Ninh Bình thực hiện chưa thỏa đáng Nghị định 67

Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Đức Sáng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), Tổ trưởng Tổ giúp việc BCĐ thực hiện chính sách phát triển thủy sản tỉnh Ninh Bình khẳng định: Theo Nghị định 67 của Chính phủ, việc thẩm định giá tài sản phải do đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định thực hiện thì mới có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, bên cho vay là Ngân hàng Công thương chi nhánh Ninh Bình đã cho vay theo đơn giá thẩm định của đơn vị thẩm định không nằm trong danh sách của Bộ Tài chính chỉ định, là chưa thỏa đáng theo chính sách của Nghị định 67.

Đơn vị thẩm định là Cty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản (thuộc ngân hàng Vietinbank) đã không thẩm định hết dự toán của toàn bộ dự án mà thẩm định từng phần; không cung cấp bảng kê hạng mục thẩm định chi tiết cho người dân. Do đó, giá trị dự toán của con tàu chỉ là 10.769.000.000 đồng (chưa bao gồm ngư lưới cụ, khay đựng cá, phí thẩm định dịch vụ giá). Đó là điều thứ hai chưa thỏa đáng.

12-44-15_tu67_4
12-44-15_tu67_5
12-44-15_tu67_6
BCĐ thực hiện chính sách phát triển thủy sản tỉnh Ninh Bình có văn bản nêu rõ ngân hàng Vietinbank lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản tàu và giữ sổ đỏ của ông Hải là không thỏa đáng

Cũng theo ông Sáng, theo quy định của Nghị định 67, chủ tàu chỉ cần có vốn đối ứng tối thiểu 5% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu. Nếu chủ tàu không có vay khoản thương mại thì VietinBank chi nhánh Ninh Bình không được giữ Giấy chứng nhận QSDĐ. Như vậy, đến thời điểm này (khi ông Hải đã yêu cầu rút lại tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận QSDĐ) ngân hàng chưa trả lại 02 sổ đỏ cho ông Hải là điều thứ ba chưa đúng.

Từ những lý do trên, ông Hải quyết định không giao nộp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, không thực hiện đúng việc trả các khoản nợ của ngân hàng. Vụ việc trên được đưa ra tòa án giải quyết và người thua cuộc không ai khác là chủ “tàu 67”.

Vụ việc đã được đưa ra tòa án huyện Kim Sơn phân xử. Kết quả, bên thua cuộc thuộc về chủ “tàu 67”. Ông Hải buộc phải trả số tiền đã vay của ngân hàng là gần 15,4 tỷ đồng hoặc phải tìm chủ tàu thay thế trong vòng 4 tháng. Nếu hết thời hạn trên mà ông Hải không trả được nợ, ngân hàng yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại tài sản thế chấp.

Không đồng tình với kết luận của tòa án, ông Hải quyết định sẽ viết đơn kháng nghị Giám đốc thẩm tại Tòa án cấp cao.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...