Cần có các chính sách thu hút đầu tư
Vừa qua, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đã cùng các chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế thảo luận về đề xuất xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Chia sẻ ý kiến cụ thể về mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN-PTNT (IPSARD) nêu ra một số luận điểm: Thứ nhất là tổ chức lúa gạo là phải dựa vào lợi thế, dựa vào thích ứng tình hình biến đổi khí hậu theo tinh thần thuận thiên ở ĐBSCL. Việc bố trí sản xuất lúa gạo về diện tích, về chủng loại, về hệ thống tương tác sẽ khác biệt giữa các vùng và chính sách phải phù hợp, mức độ đầu tư cũng phải phù hợp.
Thứ hai, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, nông dân, quốc tế để có được nguồn đầu tư. Thứ ba, phải bám sát vào thị trường, căn cứ vào thị trường để xác định quy mô, tiêu chuẩn, kỹ thuật để xây dựng quy trình bền vững. Thứ tư, phải xây dựng được hệ sinh thái tổ chức, thể chế gắn bó giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp ngoài nước, doanh nghiệp với hợp tác xã, địa phương với trung ương, và liên kết vùng.
Để thực hiện được nhiệm vụ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao bền vững, ngoài Bộ NN-PTNT với vai trò trung tâm, cần sự đồng hành của các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế.
Về định hướng và các giải pháp ưu tiên trong xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, TS Đặng Kim Sơn cho rằng cần tổ chức quy mô sản xuất lớn. “Sản xuất lúa ở ĐBSCL ngày nay, cứ 3ha là coi như hòa vốn, 10ha trở lên là có lãi. Cho nên ngay bản thân hệ thống cân đối giá, đầu vào, đầu ra như hiện nay, vấn đề nằm ở quy mô sản xuất. Chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thậm chí một số khâu phải tự động hóa. Trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam, có lẽ lúa gạo sẽ là ngành đầu tiên có thể thực hiện được, vấn đề là liệu chúng ta có đưa ngay vào đề án này”.
Các chính sách hỗ trợ có thể được áp dụng nhằm mục tiêu rút bớt lao động trong các vùng chuyên canh, chuyển sang ngành nghề khác, và tạo điều kiện để những nông dân làm ăn giỏi, các hợp tác xã tích tụ đất đai. Trước đây, Đồng Tháp cũng đã mạnh dạn đề ra chính sách cho nông dân vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân làm thủ tục gom đất.
Theo TS Đặng Kim Sơn, chính sách thu hút đầu tư là một điểm hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện đề án. “Đề án này sẽ thất bại nếu chúng ta không đảm bảo được vốn đầu tư cho nó. Điểm đột phá sẽ nằm ở việc tập trung đưa sự đầu tư tổng hợp của tư nhân, quốc tế, cùng với các địa phương và phối hợp với Trung ương. Phải có chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hình thành được các hệ sinh thái theo hướng tổ chức, doanh nghiệp lớn kết nối với doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã, doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp ngoài nước”.
Ông Đặng Kim Sơn cũng nhấn mạnh rằng đề án cần tập trung xây dựng bằng được các vùng chuyên canh. “Các vùng chuyên canh ở đây không chỉ là một vùng thích nghi và khuyến khích mọi người, mà tôi nghĩ là Nhà nước phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu chủ động để giảm nước tưới, từ đó giảm phát thải các bon. Chúng ta hỗ trợ việc xây dựng các liên kết ở bên trong và các cụm chế biến ở bên ngoài, kết nối với trục logistics. Điều này có nghĩa là phải tương đối đồng bộ với cơ sở hạ tầng, hệ thống giống, và hệ thống bảo vệ thực vật. Tôi nghĩ rằng đây là vai trò của Bộ NN-PTNT”.
Đề án đã đưa ra một số định hướng ưu tiên về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ nhất, cần có ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập (bên cạnh các ưu đãi khác về mặt bằng, tín dụng) với các doanh nghiệp tham gia các dự án liên kết công tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất liên kết với nông dân, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp và chế biến nông sản.
Thứ hai, thành lập gói tín dụng để thực hiện cho vay theo chuỗi; ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống, doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ sấy, kho tàng, hậu cần phục vụ thương mại và ưu đãi cho người nông dân đầu tư sản xuất
Thứ ba, tiến tới nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ ngành lúa gạo bằng cách trích một phần nhỏ từ nguồn thu xuất khẩu gạo để lập Quỹ hỗ trợ ngành lúa gạo và đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa trong các trường hợp rủi ro do thị trường hoặc thiên tai, dịch bệnh.
Tối ưu hóa tiềm năng vùng chuyên canh
Cũng tại buổi thảo luận, GS.TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã đặt vấn đề về tổ chức sản xuất và tìm kiếm thị trường cho lúa gạo Việt Nam.
Trước ý kiến đề xuất của Cục Trồng trọt về việc nghiên cứu phát triển các giống lúa chất lượng, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng Việt Nam đã có các giống lúa đủ tốt, và điều cần quan tâm là tổ chức sản xuất ra sao để vừa đem lại hiệu quả, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững. Để làm tốt điều này, việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Về tìm kiếm thị trường, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết Việt Nam là quốc gia thiết lập quan hệ với nhiều nước trên thế giới. Đây là tiền đề để ngành nông nghiệp tiến ra thế giới tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ gạo.
“Tại các siêu thị ở Mỹ, mỗi năm bán ra 50 ngàn tấn gạo Thái Lan, và tôi cho rằng đối với gạo Việt Nam con số này còn lớn hơn nữa. Các doanh nghiệp nói rằng bây giờ Việt Nam mới thật sự có giống lúa thị trường muốn mua, chứ còn trước đây phải mua lúa gạo Thái Lan", ông Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Cho rằng đề án sẽ không chỉ dừng lại ở mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà trong tương lai có thể mở rộng hơn nữa nếu có thể nắm bắt và xác định được thị trường, GS.TS Võ Tòng Xuân kiến nghị phải có cơ chế chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia tích cực trong việc triển khai đề án này bởi họ sẽ là những người giúp tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.