| Hotline: 0983.970.780

Trẻ em Quảng Nam được uống sữa học đường miễn phí

Thứ Sáu 19/06/2020 , 17:52 (GMT+7)

Trẻ em được uống sữa mỗi ngày khi đến trường mà không phải đóng tiền nhờ chương trình Sữa học đường được triển khai tại 6 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam từ tháng 6/2020.

Mang “Sữa học đường” đến với học sinh vùng cao

Bắc Trà My là một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có tổng số hộ nghèo nhiều nhất năm 2019 với 3.704 hộ. Khi mà cuộc sống mưu sinh của các gia đình còn nhiều âu lo, bữa ăn đủ đầy còn là nỗi trăn trở thường trực, thì việc làm thế nào để cho con trẻ uống sữa, bổ sung thêm dinh dưỡng mỗi ngày gần như “ngoài tầm với” của các bậc phụ huynh.

Các gia đình ở vùng cao mong muốn con được uống sữa đều đặn nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép. Ảnh: Xuân Hương.

Các gia đình ở vùng cao mong muốn con được uống sữa đều đặn nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép. Ảnh: Xuân Hương.

Chị Hồ Thị Thu (42 tuổi), dân tộc Ca Dong, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, là một trong những trường hợp như thế. Chị Thu cho biết nhà chị có ba người con, một đứa học hết lớp 12, một đứa bị khuyết tật bẩm sinh, đứa còn lại chỉ mới học lớp 2. Nhà chị làm nghề nương rẫy, đến cái ăn qua ngày còn nhiều thiếu thốn, thì sữa hiển nhiên càng trở nên xa xỉ. Nhưng vì hiểu rõ sữa tốt cho con, nên chị vẫn cố gắng chắt bóp chi tiêu, tuy vậy cũng thi thoảng lắm mới mua được vài hộp sữa cho bọn trẻ. 

Thế nhưng, từ ngày 1/6 vừa qua, niềm vui đã đến với các con của chị Thu cũng như hàng nghìn gia đình khác tại 6 huyện miền núi của tỉnh gồm Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, khi hơn 33.000 học sinh bậc mầm non và tiểu học khó khăn giờ đây sẽ được uống sữa miễn phí thông qua chương trình Sữa học đường. Theo đó, cả 5 ngày trong tuần khi đến lớp, các em đều được uống một hộp sữa tươi 180ml tiệt trùng do Vinamilk cung cấp, chất lượng theo các quy định và tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Các em học sinh huyện Đông Giang nhận những hộp sữa đầu tiên khi đến lớp theo chương trình Sữa học đường. Ảnh: Xuân Hương.

Các em học sinh huyện Đông Giang nhận những hộp sữa đầu tiên khi đến lớp theo chương trình Sữa học đường. Ảnh: Xuân Hương.

Chị Hồ Thị Vân, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My vui mừng nói: "Mỗi hộp sữa ngoài thị trường có giá khoảng 8.000 đồng, nên tính ra, nhà tôi mỗi tuần có thêm được 40.000 đồng khi không phải mua sữa, để dành mua thêm thức ăn, sách vở học tập cho các con”.

Phụ huynh phấn khởi, các em nhỏ cũng hồ hởi không kém. Hớn hở cầm hộp sữa trên tay, em Hồ Văn Khoa, lớp 3, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My bộc bạch: "Ở nhà em ít khi được uống sữa lắm nên khi em được phát sữa uống cùng các bạn thì rất vui. Em sẽ uống hết sữa cô giáo phát cho, vì sữa rất bổ và ngon".

Đầu tư cho trẻ em luôn là quyết định đúng đắn

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để mang niềm vui uống sữa học đường và góp phần giúp hàng chục nghìn trẻ em miền núi Quảng Nam được chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn, bất kể những hạn chế về cơ sở vật chất, bất tiện về giao thông, tỉnh đã nỗ lực và đặt quyết tâm rất cao.“Ngay khi có chủ trương thực hiện chương trình Sữa học đường, chúng tôi đã bàn thảo nghiêm túc, thống nhất cao để giải bài toán về cải thiện chiều cao, dinh dưỡng cho trẻ em ở 6 huyện miền núi. Chúng tôi đã chọn được doanh nghiệp sữa uy tín. Tất nhiên, mọi sự đều qua đấu thầu công khai và nhân dân rất ủng hộ khi 33 nghìn trẻ em được uống sữa mỗi ngày đến trường, tỉnh thực hiện được việc nhân văn phải làm với chiến lược lâu dài, tiết kiệm ngân sách”.

Các em học sinh mầm non huyện Nam Giang hào hứng tham gia giờ uống sữa tại lớp. Ảnh: Xuân Hương.

Các em học sinh mầm non huyện Nam Giang hào hứng tham gia giờ uống sữa tại lớp. Ảnh: Xuân Hương.

Ông Bửu cũng cho biết thêm, Chương trình Sữa học đường Quảng Nam đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các cấp lãnh đạo đến nhân dân địa phương, vì sự đầu tư cho trẻ em thì luôn luôn cần thiết. Tỉnh dự chi hơn 110 tỷ đồng cho chương trình (giai đoạn 2020-2022) và kế hoạch ngân sách dự chi cho giai đoạn đầu là 42 tỷ tương đương hơn 5,5 triệu hộp sữa. Phụ huynh học sinh sẽ không phải đóng góp thêm bất cứ khoản chi phí nào.

Bác sĩ dinh dưỡng của Vinamilk chia sẻ các kiến thức về sữa và hướng dẫn thao tác gấp vỏ hộp sữa cho các giáo viên. Ảnh: Xuân Hương.

Bác sĩ dinh dưỡng của Vinamilk chia sẻ các kiến thức về sữa và hướng dẫn thao tác gấp vỏ hộp sữa cho các giáo viên. Ảnh: Xuân Hương.

Công ty Vinamilk tham gia đấu thầu công khai và trở thành nhà cung cấp và hỗ trợ ở mức hơn 25% đơn giá dự thầu giúp tiết kiệm ngân sách cho tỉnh Quảng Nam hơn 14 tỉ đồng. Trước đó, để chương trình diễn ra an toàn, hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã phối hợp cùng Vinamilk tổ chức 3 lớp tập huấn dành cho giáo viên, cán bộ giáo dục của 6 huyện về kiến thức dinh dưỡng, tổ chức uống sữa tại trường, cách bảo quản an toàn…

Đông đảo cán bộ giáo dục, giáo viên đều được tham gia các lớp tập huấn trước khi triển khai chương trình. Ảnh: Xuân Hương.

Đông đảo cán bộ giáo dục, giáo viên đều được tham gia các lớp tập huấn trước khi triển khai chương trình. Ảnh: Xuân Hương.

Với định hướng đúng đắn và công tác triển khai bài bản, Chương trình Sữa học đường của tỉnh Quảng Nam được đánh giá rất cao. Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) nhận định, các huyện miền núi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao gấp 2 lần so với huyện đồng bằng; nhóm dân tộc thiểu số cao hơn 2 lần so với dân tộc Kinh, chính vì vậy những chương trình cải thiện dinh dưỡng như Sữa học đường càng thêm ý nghĩa. Quảng Nam là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực triển khai Sữa học đường, đây là một sự quyết tâm và nỗ lực rất đáng ghi nhận.    

Chương trình giúp cải thiện dinh dưỡng cho các em, để các em có thêm năng lượng học tập, vui chơi, góp phần nâng cao thể lực. Ảnh: Xuân Hương.

Chương trình giúp cải thiện dinh dưỡng cho các em, để các em có thêm năng lượng học tập, vui chơi, góp phần nâng cao thể lực. Ảnh: Xuân Hương.

Lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em thông tin thêm, sau khi khảo sát ở nhiều địa phương, lãnh đạo các tỉnh đều đánh giá Sữa học đường là một chương trình giàu tính nhân văn, góp phần quan trọng cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em. Đây cũng là lý do Bộ Y tế đang có báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị kéo dài chương trình Sữa học đường, trước mắt là từ năm 2021 đến năm 2025.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Khám phá 5 lợi ích vàng của mứt vỏ bưởi đối với sức khỏe

Mứt vỏ bưởi không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giảm cân, tăng đề kháng và bảo vệ tim mạch.

Bình luận mới nhất