Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Chúng tôi đã chọn nơi này, quê hương

Chúng tôi đã chọn nơi này, quê hương

Những địa danh Cần Thơ nói riêng hay Nam Bộ nói chung, thường gắn với chữ CÁI. Và phải mất nhiều năm tôi mới hiểu được một chút về chữ này.

 

Phan Văn Trị (1830-1910) tuy không phải người Cần Thơ, nhưng là bạn thân của Thủ Khoa Nghĩa trên văn đàn bút chiến với Tôn Thọ Tường. Mộ cụ Phan Văn Trị cận kề mộ vợ ông, bên cạnh con rạch Cái Tắc thuộc ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền, TP Cần Thơ. Khu mộ được trùng tu vào năm 2005.

Phan Văn Trị sinh năm 1830 tại Giồng Trôm, Bến Tre. Thân phụ là Phạm Văn Tấn, thuộc dòng dõi võ tướng Phan Văn Triệu, có tên trong miếu “Trung Hưng công thần” tại cố đô Huế. Năm 1849, Phan Văn Trị đỗ cử nhân trong kỳ thi Hương tại Gia Định. Dân quen gọi ông là Cử Trị. Ông về Tân An dạy học, sống cuộc đời bình dị. Sau đó, ông chuyển về Vĩnh Long, rồi về Cần Thơ, dạy học, bốc thuốc và làm thơ yêu nước. Ông mất tại Phong Điền ở tuổi 80.

Khóc thương nghĩa sĩ đánh Pháp tại Láng Hầm gần Phong Điền, Cử Trị làm hai câu đối như sau:

Kiếm võ ngút trời, Ba Láng sông sâu tràn hận huyết,

Sao văn sa đất, Trà Niềng thôn xóm thảy sầu mang.

Bài liên quan

Bảo Định Giang viết về ông như sau: “Sau Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị xông xáo tiến lên đánh địch như một dũng sĩ. Ngòi bút trong tay ông trở thành ngọn giáo, nhằm thẳng vào bọn bán nước, đánh rất đau, khiến đối phương không cựa quậy được... Và một điều ai cũng rõ: Phan Văn Trị dùng bút đánh Tôn Thọ Tường, không đơn giản như đánh một tên tay sai võ biền dung tục, mà đối thủ của ông là bạn cũ, từng xướng họa với ông ở Thi xã Bạch Mai ngày nào. Để rồi bằng sức mạnh chính nghĩa, Phan Văn Trị đã giáng cho đối thủ của mình những đòn bất ngờ, giành thế chủ động từ đầu đến cuối”.

Giáo sư Thanh Lãng viết: “Phan Văn Trị là phát ngôn viên cho phe chủ chiến. Chính ông đã đập vỡ cái thành trì yên lặng của nhà Nho, xung phong đứng ra tố cáo và kết án phái chủ hòa”.

“Cào Cào” là một bài thơ điển hình của Cử Trị. Đuổi chúng đi rồi thì phòng chúng ở đâu nữa?

Chẳng biết cơ trời khéo khiến sao,

Trải qua mấy xứ cũng cào cào.

Hình như châu chấu vàng pha xám,

Miệng tợ chuồn chuồn thấp lại cao.

Hại lúa bởi ngươi nên cắc cớ,

Nhọc lòng cho kẻ đuổi lao xao.

Lời ngay dám hỏi quan lương thú,

Đuổi đó phòng toan đến chốn nào.

 
 

Người Cái Khế, Cần Thơ mà giới khoa học trong và ngoài nước đều kính trọng là Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ, người thầy rất lớn của thế hệ chúng tôi.

Phạm Hoàng Hộsinh năm Kỷ Tỵ 1929 tại Thới Bình, Cái Khế, Cần Thơ. Ông theo học Collège de Cần Thơ. Năm 1946, ông sang Pháp tiếp tục học lấy bằng Tú Tài I và II. Thầy Hộ tốt nghiệp Cử nhân khoa học tại Đại học Sorbone Paris, về Thực Vật Học năm 1953 và Docteur Agrégé (tương đương Cao học) vào năm 1955. Sau đó ông về Việt Nam, năm 1957, được bổ nhiệm làm Giám Đốc Hải Học Viện Nha Trang. Công trình nghiên cứu rong biển từ 1957 đã được ông sử dụng để bảo vệ luận án Tiến Sĩ Khoa Học vào năm 1961, tại Đại Học Sorbone, Pháp.

Sách khoa học nổi tiếng của Phạm Hoàng Hộ có thể kể đến: Cây cỏ Việt Nam (3 tập), Rong biển Việt Nam, Hiển hoa bí tử, Sinh học thực vật, Cây có vị thuốc ở Việt Nam. Năm 1962, Thầy làm Khoa Trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn. Ngày 8-3-1966, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, GS Phạm Hoàng Hộ trở thành Viện trưởng đầu tiên. Quá trình xin phép thành lập trường đại học vô cùng gian nan. Đồng bằng sông Cửu Long có Đại học đầu tiên là dấu mốc lịch sử đáng nhớ. Ban đầu có bốn khoa: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, Sư phạm. Có Trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ giảng dạy chương trình ngọại ngữ cho sinh viên. 

Đầu năm 1970, GS Phạm Hoàng Hộ mời GS Nguyễn Duy Xuân về làm Hiệu trưởng Viện Đại học Cần Thơ. Thầy Hộ về Sài Gòn và tiếp tục công trình giảng dạy và nghiên cứu thực vật cho đến năm 1984. Thầy được chính phủ Pháp mới thỉnh giảng (1984). Sau đó Thầy quyết định ở lại Pháp, rồi sang Canada hoàn tất công trình nghiên cứu cây cỏ Việt Nam của mình. Đây là một công trình tầm cỡ thế giới. Thầy mất vào ngày 29 tháng 1 năm 2017 tại Montréal, Québec, Canada; thọ 89 tuổi, hỏa táng.

 

Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp chứa một thảo tập phong phú vào bậc nhất thế giới. Có từ 8 đến 10 triệu mẫu vật cây cỏ. Trong sáu năm làm việc, thầy Hộ đã phát hiện thêm cho Việt Nam nhiều loài hiếm và mớiThầy đã bổ sung thêm cho bộ “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” được trên 3.000 loài. Số loài mô tả khoảng 10.500 mẫu. Thầy chính thức đổi tên sách thành “Cây cỏ Việt Nam”. Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1999. Công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia. Mỗi chi (genus), loài (species) được trình bày theo những tiêu chí khoa học và với độ chính xác cao. 

Bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” là một cuốn từ điển không thể thiếu cho nhà nghiên cứu thực vật ở Việt Nam và nước ngoài. Nhận xét của Peter Shaw Ashton, Charles Bullard, ngành Lâm Sinh, Đại học Harvard: “Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10.500 loài, bộ sách “Illustrated Flora of Vietnam” của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên, cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi đã ít biết đến.”

 

Cầu Cần Thơ với tổng đầu tư hơn 342 triệu đô la Mỹ, từ nguồn ODA của Chính phủ Nhật và vốn đối ứng Việt Nam (15%). Tập đoàn Nhật Bản lừng danh Taisei, Kajima, Nippon Steel, cùng với nhiều công ty lớn của Việt Nam đã tiến hành xây cầu theo quy trình hiện đại, với tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Cầu Cần Thơ được khánh thành ngày 24/4/2010. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á, thời ấy. Chiều dài nhịp chính 550 m. Tổng chiều dài toàn tuyến: 15,85 km. Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào 2004, dự kiến khánh thành vào năm 2008. Tuy nhiên, sự cố sập nhịp dẫn Cầu Cần Thơ vào ngày 26/9/2007 làm tiến độ chậm lại. Công trình thế kỷ này được khánh thành vào năm 2010. Tạm biệt những “chiếc phà Cần Thơ” đã chở đầy thơ và nhạc, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử gần một trăm năm.

 
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu kết nối tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau.

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu kết nối tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau.

Cầu Vàm Cống nối liền Cần Thơ và Đồng Tháp. Đây là Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây; nằm trên tuyến Cao Lãnh - Rạch Sỏi. Chủ đầu tư cầu là Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Tư vấn thiết kế, giám sát và thi công là những tập đoàn, công ty Hàn Quốc tên tuổi. Phía Việt Nam, Cienco 1 là nhà thầu phụ. Tổng đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Chiều dài nhịp chính 450 m. Tổng chiều dài toàn tuyến 2,97 km. Thời gian thi công đến khánh thánh mất 6 năm: 2013-2019.

Tuyến lộ ở đồng bằng giờ đây có thêm sức sống mới. Bảy cây cầu lớn, tầm cỡ quốc gia, soi bóng trên sông Tiền, sông Hậu, thỏa lòng mong ước bao năm. Đó là cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Thuận, Cao Lãnh, Cần Thơ và Vàm Cống. Đồng bằng đang thích nghi với dòng chảy lịch sử, sẵn sàng đón gọi tương lai, chờ mong thêm nhiều cây cầu và đường cao tốc hiện đại, để quê hương hóa rồng.

 Những địa danh Cần Thơ nói riêng hay Nam Bộ nói chung, thường gắn với chữ CÁI. Hiểu được nó không phải dễ dàng. Phải mất nhiều năm tôi mới hiểu một chút về chữ này.

Cái là từ liên quan đến “dòng chảy”. Nhà sử học cho rằng chữ Cái có nguồn gốc từ tiếng Phù Nam cổ. Có đến hơn 250 địa danh gắn liền với chữ Cái.

Cái Tàu là dòng chảy từ Hậu Giang qua Bạc Liêu, qua vùng có nhiều người Tàu định cư sinh sống.

Cái Vồn là dòng chảy của một con rạch đổ ra sông Hậu ở quận Bình Minh, gốc chữ Hán là Bồn Giang. Người Khmer gọi Srôk Tà Vôn (xứ Ông Vôn).

Cái Tắc xuất xứ từ Cái Tắt, là “con rạch để đi tắt từ nơi này đến nơi khác”. Cái Tắc ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Nơi đây, tôi thu thập được mẫu lúa hoang Oryza offinalis đầu tiên. Quần thể này là nguồn di truyền kháng rầy nâu đã được khai thác hiệu quả.

Cái Bè là một huyện của tỉnh Tiền Giang. Địa danh có tên từ thế kỷ 18. Rạch Cái Bè có nhiều vựa cau khô, củi đước, được chở bằng “bè tre” sang Campuchia.

Cái Cối là dòng chảy của một rạch nhỏ thuộc sông Bến Tre, ở thành phố Bến Tre. Người Khmer gọi đó là Prêk Thbal (rạch Cối Xay). Có xóm chuyên đóng cối xay lúa trên bờ rạch.

Cái Răng là tên một quận của thành phố Cần Thơ, từ tiếng Khmer “Karan”, nghĩa là “bếp cà ràng”.

Cái Cui là khu cảng chính của thành phố Cần Thơ. Cái Cui nghĩa là dòng chảy của rạch có nhiều “cây cui”. Cui là loài thực vật to, lá đơn, phiến lá cứng. Tên khoa học Heritiera littoralis Dryand, họ Malvaceae. Cảng Cái Cui được xây dựng từ 2002, trở thành một trong 13 cảng ở ĐBSCL (kế hoạch phát triển 20 cảng), gắn liền với luồng Quan Chánh Bố để tàu đi và đến Cần Thơ.

Cái Nhum nghĩa là “con rạch có nhiều cây nhum mọc hai bên”. Cây nhum thuộc họ Cau (Arecaceae). Tên khoa học Oncosperma tigillaria. Địa danh này có ở nhiều tỉnh.

Cái Mơn nghĩa là con rạch có nhiều ong (theo Sơn Nam) ở Chợ Lách. “Mơn” theo tiếng Khmer “kh’mân” có nghĩa là ong mật. Cây ăn trái phát triển sum suê ở đây. Ong về hút mật nhiều lắm.

Cái Sơn là tên con rạch ở thành phố Cần Thơ. Có công trình kè chống sạt lỡ do biến đổi khí hậu.

 

Chánh Tham Biện tỉnh Cần Thơ, đại úy người Pháp tên Nicolai (1876), đã mở mang bến chợ để ghe, tàu khắp miền Tây ghé lại giao thương, vận chuyển hàng hóa, đưa rước khách. Người Pháp gọi là bến thương mại (Quai de Commerce). Lúc đó, có hàng cây dương (phi lao) chắn gió ven bờ. Khách thương hồ mới đặt tên là “Bến Hàng Dương”. Thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, bộ trưởng Bộ Nội Vụ là ông Lâm Lễ Trinh từ Sài Gòn xuống Cần Thơ làm lễ cắt băng khánh thành, chính thức đặt tên “Bến Ninh Kiều” và công viên cây kiểng Ninh Kiều, vào ngày 4 tháng 8 năm 1958.

 Cần Thơ có bến Ninh Kiều,

Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.

Cuộc đời luống những phù vân,

Trở về bến cũ cố nhân xa rồi. (Thơ truyền miệng)

Bấy lâu mang tiếng, chịu lời,Bây giờ hỏi thiệt: em dời về đâu? (Ca dao)

Tình yêu nam nữ ở đây chơn chất, yêu thương nhau thiệt lòng: “Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng / Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân” (thơ Đông Hồ). Quyết tâm lấy nhau thì lấy cho đặng!

 Kinh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy,

Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình.

Con nhạn bay cao khó bắn,

Con cá dưới ao Quỳnh khó câu. (Ca dao)

 

Thời thực dân, Tây đem xáng đào kinh, dẫn thủy nhập điền. Thời nay, đầu tư thủy lợi vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong nông nghiệp ở đây. Ruộng, vườn trúng mùa, nhờ phù sa màu mỡ, thời tiết ôn hòa. “Cần Thơ gạo trắng” trở nên danh tiếng khắp lục tỉnh. Đời sống sung túc, người Trấn Giang quyết tâm nghĩ đến chuyện học hành. Trường trung học đầu tiên ở Cần Thơ là trường Phan Thanh Giản. Bốn mươi năm sau Đại Học Cần Thơ ra đời, đánh dấu hệ đại học đầu tiên ở đồng bằng. Thắm thoát đã hơn 54 năm rồi. Cần Thơ thực sự đã và đang là trung tâm giáo dục lớn của miền Tây. Đất lành, chim đậu. Cư dân các vùng khác đến đây lập nghiệp: “Về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Nhân dân tự hào đặt tên nó là Tây Đô.

 Tới đây trước lạ sau quen/Bóng trăng là ngỡi, ngọn đèn là duyên. (Ca dao)

Vợ chồng tôi bén duyên tình nghĩa bởi bóng trăng, ngọn đèn Cần Thơ, thắm thoát hơn 40 năm. Chúng tôi tự hào trở thành cư dân Cần Thơ thứ thiệt. Bắt đầu từ tiếng đàn guitar, giai điệu Asturias, trong đêm mưa vào tháng 8 năm 1977. Cần Thơ có quá nhiều chuyện để nhớ. Thương cây lúa, chúng tôi đã chọn nơi này làm quê hương! Cây lúa cũng lớn nhanh theo công trình khoa học ở đồng bằng.

 Thương cây lúa lớn nhanh theo người

Dầm mưa dãi nắng, tưới xanh ruộng đồng. (Trần Long Ẩn, bài hát Đàn sáo Hậu Giang).(Hết)

GS Bùi Chí Bửu

Tin khác

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2024
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2024
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Thổn thức cùng sông Nghèn

Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/05/2024
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/05/2024
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/05/2024
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/05/2024
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/04/2024
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024