Con ong làm mật, yêu hoa
Có cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời
Đi tới ngó lui, phát hiện quầy trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm mật ong. Mật ong cũng là loại sản phẩm xứ mình không thiếu và cũng đã được xuất khẩu.
Những lọ mật nho nhỏ, chắc chỉ sử dụng đôi ba lần là hết. Những chiếc ống mật chỉ cần hút một hơi là xong. Hỏi ra mới biết, những lọ mật hay ống hút mật người ta làm nhỏ gọn như vậy để người tiêu dùng thuận tiện sử dụng vì không phải bảo quản lâu, cũng tiện để trong ba lô, túi xách, mang lên xe tàu, máy bay sử dụng cũng được. Đặc biệt hơn, có đa dạng sản phẩm mật ong do mỗi loại được phối trộn thêm chanh, quýt, cam và nhiều loại hoa rừng,…
Còn đây là câu chuyện ghi được trên tấm hình quảng bá sản phẩm mật ong của họ: “CHẤT CHỐNG OXY. Bạn có biết rằng Patagonian Berries được cho là siêu thực phẩm không? Bởi vì nó là nguồn chất chống oxy hoá lớn nhất trên hành tinh. Tiêu thụ nó giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể chúng ta, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm thiểu tác động của lão hoá tế bào và giúp ngăn ngừa các bệnh khác nhau, chẳng hạn như kháng insulin, béo phì, tăng huyết áp,... - Những con ong ở Patagonia”.
Đất nước mình núi rừng chập chùng nên nghề khai thác và nuôi ong khá phát triển. Bà con khai thác ong trên những tán rừng hoặc nuôi ong di trú theo mùa, đưa đàn ong đến các nơi có các loài hoa nở. Sản phẩm mật ong được xuất khẩu cũng mang đến thu nhập khá nếu sản lượng cao, giá tốt. Hiệp hội Ong, Viện nghiên cứu Ong đã giúp bà con nuôi ong có chất lượng. Tuy nhiên, hình như sản phẩm của mình thiếu đa dạng, thiếu những nghiên cứu về những tác dụng đến dinh dưỡng cho con người.
Mật ong xuất khẩu cần số lượng lớn, nhưng mật ong tiêu thụ trong nước cần đa dạng sản phẩm, nhất là có những hình thức bao bì, chai lọ, ống hút nhỏ gọn để dễ dàng phục vụ người tiêu dùng. Những sản phẩm mật ong như vậy sẽ được bày bán ở những điểm du lịch, nhất là trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển đang rất thiếu sản phẩm lưu niệm để du khách mang về.
Bên cạnh kệ hàng trưng bày mật ong, họ còn bày bán những sản phẩm sao sấy những lá thảo dược thu hái trong rừng, sản phẩm muối phối trộn với các loại cây gia vị và thảo dược, tạo ra vô số sản phẩm khác nhau. Và mỗi sản phẩm đều gắn với những câu chuyện ý nghĩa, dẫn dắt cảm xúc người tiêu dùng.
Tư duy về giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đâu có gì lớn lao, khó làm, chỉ cần học hỏi và sáng tạo. Đơn giản vậy thôi!
Mời độc giả quan tâm theo dõi loạt bài "Chuyện nhỏ khởi nghiệp":
Câu chuyện thứ nhất: Tơ chuối của người Thái
Câu chuyện thứ hai: Khởi nghiệp trong một trường đại học Bỉ
Câu chuyện thứ ba: Câu chuyện thác Bản Giốc
Câu chuyện thứ năm: Khởi nghiệp và văn hóa đọc
Câu chuyện thứ sáu: Vị lành phương Nam
Câu chuyện thứ bảy: Đặt tên sản phẩm