Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Đầu xuân chu du đầm Vân Long

Đầu xuân chu du đầm Vân Long

Kỳ lạ là cách Hà Nội không xa, ngay sát thành phố Ninh Bình, lại vẫn còn có một nơi hoang sơ đến thế, một vùng ngập nước sơn thủy hữu tình.

Mặc kệ mưa phùn trắng trời, vào đúng ngày rằm Nguyên tiêu, vợ chồng nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Nguyễn Thành Phong và tôi vẫn quyết tâm về Ninh Bình… du xuân. Trong lịch trình chúng tôi sẽ đi thăm quan đầm Vân Long, mà qua lời những người bạn từ Mỹ về có dịp đến đó, thì ít có danh thắng nào sánh được. Trong một bài viết về nhà văn Sương Nguyệt Minh đã lâu, tôi khẳng định, chính cái cảnh non nước Ninh Bình đã nhiễm vào văn Sương Nguyệt Minh, khiến nó vừa thực vừa ma mị.

Lúc ấy tôi còn chưa biết đến đầm Vân Long.

Nghe tiếng tăm về Khu bảo tồn sinh thái ngập nước này đã lâu, nhưng rồi cứ có đủ lý do để chuyến thăm lùi mãi lại. Tuổi già quả là bất tiện. Nhiều việc chỉ mới lên kế hoạch thôi đã thấm mệt. Vì thế, các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng phí phạm thời gian để rồi sẽ có ngày hối tiếc.

Chẳng hạn như tôi đây. Nếu không có cú huých tạo ra bởi nhà văn Sương Nguyệt Minh, cộng với quyết tâm đầy chất lãng tử của ông bạn hiền Nguyễn Thành Phong, có thể tôi sẽ lại tiếp tục “nghe kể” về đầm Vân Long, để không bao giờ thấy dù chỉ vài phần vẻ đẹp kỳ vĩ và ký bí của địa danh còn hoang sơ này.

Người ta bảo mỗi chuyến đi là một khám phá, quả không sai. Khám phá đầu tiên của tôi trong chuyến đi, là biết thêm về “mảnh đất” mầu mỡ mang tên Nguyễn Thành Phong. Hóa ra cái ông nhà thơ hay đùa bằng những chuyện kể mang tính tiếu lâm, nói năng luôn nhẹ nhàng, lại có một vốn kiến thức lịch sử không chỉ sâu rộng, mà còn rất… cập nhật. Nhiều người thuộc sử, thuộc đến đâu đóng đinh trong đầu đến đấy, rất khó lay chuyển họ tiếp cận những thay đổi. Nguyễn Thành Phong thuộc sử chi tiết, không thua gì bất cứ nhà sử học nào, nhưng ông luôn đặt sự “nghi vấn” bên cạnh những sự kiện nào đó, để hễ có cơ hội là bổ sung, sửa chữa cho chính mình.

Ngồi trên ô tô, chúng tôi rôm rả bàn về các vị vua triều Đinh, triều Tiền Lê, về các danh thần của 2 triều, về quan niệm trung quân ái quốc, về mối tình Dương Vân Nga - Lê Hoàn gắn với cuộc kháng Tống lần thứ nhất, về lẽ thịnh suy của mỗi triều đại, về những bài học mà con cháu muôn đời vẫn có thể rút ra từ các tiền nhân. Chẳng hạn như nạn bạo quyền; chẳng hạn như nạn tham nhũng; chẳng hạn như thói ăn chơi đàng điếm của vua quan; chẳng hạn vì sao khi đất nước có nạn binh đao thì vua tôi đồng lòng, trên dưới một ý chí, cùng hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, cùng sống cùng chết cho từng tấc đất của xã tắc, nhưng khi có hòa bình thì tranh ngôi đoạt vị, tư túi cho riêng mình, lấy mục tiêu vinh thân phì gia làm lý tưởng sống… khiến cái biểu đồ thịnh suy của đất nước cứ mãi là hình sin định mệnh.

Câu chuyện đến đoạn Lý Công Uẩn, dưới sự phù trợ của Đào Cam Mộc và Phạm Cự Lượng, “miễn cưỡng” nhận lấy ngôi vương từ nhà Tiền Lê rồi quyết định dời đô về Thăng Long, thì cũng vừa lúc đầm Vân Long, y như một vùng đất trong cổ tích, hiện ra trước mắt. Quá khứ tạm lùi lại, để nhường chỗ cho những khoảnh khắc của hiện tại. Hóa ra sương mù, mưa phùn cũng có cái hay riêng. Nó biến trời mây, non nước, cây cối thành nửa thực nửa như trong mộng. Mới hay, thứ gì thuộc về thiên nhiên cũng đều có lý và đều đẹp. Vũ trụ, dịch ra từ tiếng Hy Lạp cổ là “trật tự hài hòa”. Nhưng đó là câu chuyện sẽ còn bàn luận dài dài.

 

Kỳ lạ là cách Hà Nội không xa, ngay sát thành phố Ninh Bình, lại vẫn còn có một nơi hoang sơ đến thế. Nguyên là một cánh đồng trũng có dãy núi làm bức tường thành, nhờ con đê thủy lợi cách nay hơn nửa thế kỷ, thành một vùng ngập nước sơn thủy hữu tình. Quá trình hoang hóa trở lại, ngoài ý muốn của con người, lại đã cho Ninh Bình có thêm một viên ngọc. Khá khen cho người Mỹ, khi có biết bao nơi hoang sơ trên thế giới, con số là hàng vạn, thế mà họ vẫn “mò” ra đầm Vân Long để làm bối cảnh cho bộ phim "Kong-Skull Island" nổi tiếng.

Người dân quanh khu đầm chia nhau suất chở đò, mỗi khi có khách du lịch. Đó là một sự thỏa thuận rất đẹp mang tinh thần dân sự. Ví như theo bác chở đò cho Nguyễn Thành Phong và tôi, thì cả thôn có tới 600 số đò đăng kí. Vì thế, khi nào đông khách thì cũng phải sau một tuần nữa bác mới lại đến lượt, còn vào lúc vắng, như thời gian dịch Covid-19, có khi cả tháng trời mới được một lần… cải thiện. Nói cải thiện, vì nghề nông vẫn là chính, chở đò chỉ thêm thắt. Vậy mà cũng có gian lận, lợi ích nhóm, thiên vị đấy. Nhưng - bác chở đò nháy mắt - cuộc đời nó thế!

Làm du lịch sinh thái, luôn phải giải bài toán mâu thuẫn giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Đói đầu gối phải bò, buồn đẻ không thể chờ sáng giăng, vì thế giải quyết miếng sống tức thời chưa khi nào dễ dàng. Nhưng cái trò bóc ngắn cắn dài, chả bao giờ bền vững được. Ví như mọi người đều mong, tỉnh, rồi nhà nước có kế hoạch quảng bá đầm Vân Long, để khách thập phương biết mà tìm về, tạo thu nhập cho người dân địa phương. Nhưng khi đó khó mà bảo toàn được vẻ hoang sơ vốn là điểm mạnh để thu hút khách, giữ chân khách! Đã có những tấm gương nhãn tiền ra rồi. Một khi cảnh quan bị nhiễm bẩn, một khi đầy ngập rác thải, một khi chim muông thú rừng vãi cả linh hồn vì tiếng động mà bỏ đi hết, thì sẽ chả có ma nào muốn đến. Phá vỡ cái vòng luẩn quẩn ấy chính là nhiệm vụ của chính quyền. Và cái chính quyền ấy không chỉ phải động não, mà còn cần có tầm nhìn, có tâm với đồng bào và rộng hơn là với đất nước.

 

Kết thúc một hành trình trên mặt đầm, chỉ khoảng 45 - 60  phút, tùy hảo tâm của chủ lái đò. Và cũng còn tùy cơ duyên. Chẳng hạn hôm nào đẹp trời, bọn voọc quần đùi, còn gọi là voọc mông trắng xuất hiện, thì coi như hôm đó khách và chủ được lộc trời. Khách thì khỏi phải nói, bởi dễ gì gặp được thú hoang đẹp mê hồn và hiền hậu bậc nhất này giữa đồng bằng. Còn chủ đò thì được coi là mát tay, là có duyên, thể nào cũng nhận được những món tiền thưởng hào phóng của khách. Ở giữa thiên nhiên tươi đẹp, con người bỗng trở nên phóng khoáng và nhân hậu thêm vài phần. Có trách nhiệm hơn với tương lai thêm vài phần. Cái ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa nhân văn của du lịch sinh thái, của bảo vệ thiên nhiên, tôn tạo môi trường sống chính là ở chỗ kỳ diệu ấy.

Bước lên đò sau khi chào bác lái và nhận ở bác một nụ cười tràn ngập hạnh phúc, tất cả chúng tôi đều lặng người nhìn lại toàn cảnh khu đầm. Đúng là trước vẻ đẹp, không nên nói gì là khôn nhất. Bởi nói gì cũng thành lạc lõng. Tuy thế, sau một lúc thẫn thờ vì còn nhiều điều chưa mãn nguyện, nhà thơ Nguyễn Thành Phong thốt lên:

- Phải trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa, mới hả.

Hà Nội đầu xuân 2023

Tạ Duy Anh

 
.

Tin khác

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/11/2024
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/11/2024
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/11/2024
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/11/2024
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 01/11/2024
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/10/2024
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/10/2024
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/10/2024
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/10/2024
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/10/2024
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 20/10/2024
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/10/2024