Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (FED), trong 8 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ. Trong 8 tháng đầu năm, đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường này.
Như vậy, thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu nhóm sản phẩm này vào Hoa Kỳ đang tiếp tục tăng lên. Trong năm 2023, đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam chiếm 36,2% tổng giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ, 6 tháng đầu năm nay tăng lên 40,2% và đến hết tháng 8 là 40,6%.
Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam ngày càng tăng về trị giá và thị phần trong nhập khẩu của Hoa Kỳ, cho thấy người tiêu dùng nước này đang rất quan tâm tới các sản phẩm từ Việt Nam.
Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi doanh số bán nhà ở nước này đang trong quá trình hồi phục chậm. Lãi suất cho vay 30 năm hiện đã giảm xuống mức 6,1%. Việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) bắt đầu giảm lãi suất sẽ giúp lãi suất vay mua nhà giảm hơn và thúc đẩy doanh số bán hàng, qua đó thúc đẩy nhu cầu đồ gỗ và nội thất.
Theo Báo cáo của Viện Quản lý cung ứng (ISM), lượng hàng tồn kho tại Hoa Kỳ giảm với tốc độ nhanh nhất trong năm 2024, cho thấy các nhà sản xuất đang duy trì lượng hàng tồn kho ở mức thấp. Yếu tố cung cầu thuận lợi sẽ thúc đẩy trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hoa Kỳ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm 2024.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Hoa Kỳ cũng là thị trường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng là thành viên điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều thị trường khác. Nhập khẩu gia tăng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh trong nước của các ngành sản xuất Hoa Kỳ ngày càng gay gắt.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng cường sử dụng công cụ này để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt áp lực cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp ngành gỗ cần thận trọng, đồng thời thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhằm nắm bắt được thông tin cảnh báo sớm nhất về các vụ điều tra phòng vệ thương mại để chủ động có được các giải pháp ứng phó, giữ được thị phần ở các thị trường quan trọng.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, mỗi năm, Hoa Kỳ nhập siêu khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó, Việt Nam là một trong ba thị trường đang xuất siêu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Vì vậy, liên quan tới hoạt động phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam luôn nằm trong “tầm ngắm” của nước này.
Đặc biệt Hoa Kỳ đang củng cố các công cụ phòng vệ thương mại với nhiều quy định, yêu cầu mới liên quan tới lao động, môi trường, tăng trưởng xanh… Hoa Kỳ cũng có xu hướng gia tăng các hoạt động phòng vệ thương mại, và trong những vụ việc này, các cơ quan thẩm quyền của nước này thường nghiêng về bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, ông Hưng cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ nên luôn sẵn sàng có tâm thế sẵn sàng ứng phó khi xảy ra vụ kiện từ Hoa Kỳ liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp, qua đó bảo đảm hợp tác chặt chẽ với Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời cho cơ quan điều tra nhằm hướng đến kết quả khả quan nhất có thể.