Từ năm 2016, mô hình hội quán ở tỉnh Đồng Tháp ra đời và trở thành một điểm sáng trong nỗ lực xây dựng cộng đồng nông thôn vững mạnh, gắn kết người dân. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ sản xuất, hội quán còn giúp bà con thay đổi sâu sắc tư duy làm kinh tế trong nông dân.
Từ không gian sinh hoạt này, bà con cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, chia sẻ chuyện nhà, chuyện đời và từng bước khắc phục tư tưởng “đèn nhà ai nấy rạng”, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Với 151 hội quán và gần 7.500 thành viên, trong đó có 139 hội quán hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng được một cộng đồng nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận kỹ thuật mới và tự chủ trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đánh giá, trải qua khoảng 8 năm hình thành, các hội quán trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, phát triển với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động. Bà con nông dân phát huy được tinh thần đoàn kết, tự chủ, linh hoạt tìm ra các phương thức sản xuất mới. Đây là tiền đề quan trọng để thành lập những hợp tác xã đi vào hoạt động bài bản, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, thông qua hội quán, đã tạo ra một thế hệ nông dân sẵn sàng thực hiện chuyển đổi làm kinh tế nông nghiệp. Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh cũng có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển giao và lan tỏa các loại hình khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân.
Nhờ đó, việc vận động bà con tham gia xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo quy trình, gắn với truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng để đánh giá các tiêu chuẩn trong nông nghiệp cũng thuận lợi hơn.
“Ngoài thiết chế cộng đồng, hội quán cũng được định hướng phát triển trở thành mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã để cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn, phát huy vai trò chủ thể của bà con nông dân”, ông Nguyễn Văn Vũ Minh nhấn mạnh.
Ngoài phát triển kinh tế, hội quán còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Điển hình trong tiêu chí xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, khi được chính quyền địa phương vận động, bà con sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công… để làm đường, xây dựng cầu.
Đặc biệt, thành viên hội quan tham gia tích cực trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương - một trong những tiêu chí được đánh giá gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Hay công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh Đồng Tháp cũng được các thành viên hội quán ủng hộ và động viên con em tham gia.
Nhiều trường hợp sau thời gian làm việc ở nước ngoài, với nguồn vốn và kinh nghiệm tích lũy được, các bạn trở về quê hương để khởi nghiệp, thành lập các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh và rất thành công.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp bày tỏ, thành công của hội quán không chỉ đến từ việc tạo ra các giá trị kinh tế mà còn nằm ở việc tạo ra những giá trị văn hóa ở khu vực nông thôn, tổng hòa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang hoàn thiện đề án về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đây là ba giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển “tam nông” của tỉnh. Đề án không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sinh thái, mà còn hướng tới xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh Đồng Tháp tiếp tục khẳng định vị thế trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL.